Cải bắp thuộc nhóm rau có nguồn gốc ôn đới, nhiệt độ xuân hoá (nhiệt độ cần thiết để phân hoá mầm hoa) là 1-10 độ C trong khoảng 15-30 ngày tuỳ thời gian sinh trưởng của giống. Do vậy, trong quá trình sinh trưởng, khi gặp điều kiện này, cây sẽ ra hoa, kết quả ngay ở năm đầu. Cải bắp có chỉ số diện tích lá cao, hệ số sử dụng nước rất lớn nhưng có bộ rễ chùm phát triển nên chịu hạn và chịu nước hơn su hào và su lơ.
Đặc biệt ở cải bắp khả năng phục hồi bộ lá khá cao. Các thí nghiệm cho thấy, khi cắt 25% diện tích bề mặt lá ở giai đoạn trước cuốn bắp, năng suất vẫn đạt 97-98% so với không cắt. Điều đó khẳng định việc phun thuốc hoá hoá học trừ sâu tơ lứa 1 trong nhiều trường hợp là không cần thiết. Hạt cải bắp nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18-20 độ C. Cây phát triển thuận lợi nhất ở 15-18 độ C.
Phát sinh từ vùng Địa Trung Hải, cải bắp thuộc nhóm cây ưa ánh sáng ngày dài nhưng cường độ chiếu sáng yếu. Do vậy, trong điều kiện vụ đông xuân ở nước ta, cây cải bắp thường rút ngắn thời gian sinh trưởng so với vùng nguyên sản.
Độ ẩm thích hợp là từ 75-85%, ẩm độ không khí khoảng 80-90%. Đất quá ẩm (trên 90%) kéo dài 3-5 ngày sẽ làm rễ cây nhiễm độc vì làm việc trong điều kiện yếm khí.
Cải bắp ưa đất thịt nhẹ, cát pha, tốt nhất là đất phù sa bồi, có độ pH= 5,6-6,0. Do có lượng sinh khối lớn nên cải bắp yêu cầu dinh dưỡng cao. Các nhà chuyên môn đã tính toán, để có năng suất 80 tấn/ha, cải bắp đã lấy đi của đất 214 kg đạm, 79 kg lân, 200 kg kali, tức là tương đương với 610kg đạm urê, 400kg supe lân, 500kg clorua kali. Vì vậy, phải đảm bảo lượng phân bón sao cho cây có trạng thái tốt, chống đỡ sâu bệnh và cho năng suất cao. Các yêu cầu này được thể hiện qua biện pháp kỹ thuật sau:
1. Thời vụ
Có 3 vụ chính gồm vụ sớm, chính vụ và vụ muộn: Vụ sớm: gieo cuối tháng tháng 7 đến đầu tháng 8; Vụ chính: gieo cuối tháng 9 đến đầu tháng 10; - Vụ muộn: gieo tháng 11 đến giữa tháng 12. Giống dùng cho vụ sớm thường là các giống địa phương: Phù Đổng, Lạng Sơn và giống KK Cross; Giống dùng cho vụ muộn và vụ chính là NS Cross và KY Cross.
2. Làm đất, bón phân
a. Làm đất
Nơi trông rau an toàn phải xa nguồn nước thải, các khu công nghiệp. Đất trồng phải đâm bảo tưới tiêu chủ động. Làm đất kỹ, nhỏ, tơi xốp; lên luống cao 0,2 – 0,25 m, rộng 1 -1,2 m, rãnh luống 0,2 – 0,3 m. Vụ sớm lên luống mai rùa cao để phòng mưa. Vụ chính và vụ muộn làm luống phẳng.
b. Bón phân
Mỗi hecta trồng cải bắp bón lót 20-25 tấn phân chuồng hoai mục (thời gian ủ trước khi bón ít nhất 3 tháng. Mỗi tấn phân tươi khi ủ rắc thêm 20kg vôi bột và 25kg supe lân). Nếu có lân hữu cơ vi sinh, cần bón 250-300kg/ha. Với lượng này có thể rút lượng phân chuồng còn 15-20 tấn/ha.
Để đạt năng suất cao và giữ hàm lượng nitrat dưới 500mg/kg, cần bón mỗi hecta 120-150kgN trong vụ sớm (260-325kg urê), 150-180kgN trong vụ chính và vụ muộn (260-390kg urê). Nếu sử dụng lân hữu cơ vi sinh, cần bón thêm 60kg P2O5 (300kg supe lân), ngược lại bón 90kg P2O5 (hay 180kg supe lân).
Lượng kali cần thiết cho mỗi hecta là 120kg K2O. Tốt nhất nên dùng dạng sulfat.
Bón lót toàn bộ phân chuồng + lân hữu cơ vi sinh +1/2 kali +1/4 đạm. Có 2 hình thức bón lót: trải đều trên mặt ruộng trước khi lên luống hoặc bón vào hốc sau khi lên luống. Nếu bón theo cách thứ 2 phải trộn, đảo đều và lấp trước khi trồng.
Bón thúc làm 3 thời kỳ :
Thời kỳ cây hồi xanh : bón nốt lượng kali còn lại +1/3 lượng đạm còn lại. Cách bón: bón gốc cây kết hợp xới vun.
Số đạm còn lại chia đôi, hoà với nước tưới gốc vào 2 thời kỳ:
Thời kỳ trải lá bàng: 30-35 ngày sau khi trồng
Thời kỳ cuốn bắp: 45-50 ngày sau trồng.
3. Trồng, chăm sóc
Chọn những cây khoẻ, cứng cáp, đồng đều để nhổ trồng vào buổi chiều (nếu trời nắng hanh). Trước khi trồng nhúng rễ cây vào dung dịch Sherpa 0,1-0,15%. Nếu sử dụng polietylen phủ đất, sau khi bón lót, phủ kín mặt luống, dùng đất chèn kỹ mép luống và đục lỗ trồng.
Sau khi trồng, tưới đẫm nước, sau đó tưới đều hàng ngày cho tới khi hồi xanh. Sau khi vun và bón thúc đợt 1, có thể tưới rãnh cho cây. Chú ý, để nước ngấm 2/3 luống phải tháo hết nước. Trước và sau khi mưa không nên tưới rãnh. Nước tưới phải sạch không có nguồn nhiễm bẩn. Đặc biệt không được tưới nước phân tươi.
Thời gian đầu, khi cải bắp còn nhỏ, có thể trồng xen xà lách, cải xanh và những cây có thời gian sinh trưởng dưới 30 ngày. ở vụ chính có thể kết hợp trồng xen cà chua với tỷ lệ: cứ 2 luống cải bắp lại trồng một luống cà chua. Hình thức này làm giảm rõ rệt mật độ sâu tơ lứa 3.
4. Phòng trừ sâu bệnh
Thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất an toàn. Khi dịch hại phát triển quá ngưỡng gây hại kinh tế mới áp dụng các biện pháp hóa học để phòng trừ. Chú ý sử dụng thuốc có độ độc thấp. Áp dụng nghiêm ngặt quy trình quản lý dịch hại tổng hợp đối với cây trồng họ Thập tự: vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để tiêu diệt nguồn sâu non, nhộng của sâu khoang, sâu xám, sâu xanh,... Luân canh với lúa nước ở vùng rau 2 lúa + 1 vụ rau, với hành, tỏi, đậu tương ở vùng chuyên canh rau màu. Thường xuyên quan sát đồng ruộng, phát hiện, bắt giết sâu xám đầu vụ, ngắt ổ trứng và ổ sâu non tuổi 1-2 của sâu khoang, nhổ bỏ kịp thời cây bị héo, nhũn.
Khi trồng ra ruộng có thể bón thuốc hạt Oncol 50G vào gốc cây để tiêu diệt sâu gốc. Từ 15-20 ngày sau khi trồng, nếu có sâu tơ tuổi 1-2 rộ trên mỗi trà, cần phun 1-2 lần thuốc BT. Trường hợp sâu có khả năng phát dịch có thể dùng các thuốc Pegasus 250EC hoặc Sherpa 25EC. Kết thúc phun các loại thuốc trên trước khi thu hoạch 10 ngày.
Các loại sâu khác như: Sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae), sâu khoang (Spodoptera liture), rệp (Aphis sp.) cần thường xuyên phòng trừ kết hợp với phòng trừ sâu tơ. Nếu chỉ có riêng rệp hại nặng thì dùng thuốc Sherpa 25EC, Sumicidin 10EC, Trebon 10EC, Suprathion và Pegasus.
Các bệnh hại chính trên cải bắp gồm: Thối nhũn do vi khuẩn (Erwinia carotovora sp.), bệnh thối do nấm (Selrotinia selerotioum,) bệnh đốni lá (Cereospora sp.). Hạn chế bệnh bằng cách không để ruộng quá am, úng kéo dài; thường xuyên làm vệ sinh, làm cỏ, thu gom các lá già… làm cho ruộng sạch, thông thoáng.
Khi cần có thể dùng các thuốc: Trừ bệnh thối nhũn: Zineb Bul 80WP, Macozeb 80WP, Ridomil MZ 72WP, Anvil 5SC, Alielte 80WP, Curzate MB 72WP. Trừ bệnh đốm lá: Score 250EC, Anvil 5SC, Rovral 50WP, Antracol 70WP.
Khi sử dụng nồng độ, liều lượng và thời gian cách ly phải tuân thu theo đúng hướng dẫn trên nhãn bao bì của từng loại thuốc.
5. Thu hoạch
Khi bắp cải cuốn chắc, đủ độ tuổi sinh trưởng thì thu hoạch. Chặt cao, sát thân bắp để dễ thu và xử lý gốc cây trên đồng ruộng. Loại bỏ lá ngoài, lá xanh trên bắp, rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo, cho bao bì để đưa tiêu thụ.
|