Vùng đất cát ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế rất khó khăn trong sử dụng vì đặc điểm của đất khô nóng, nghèo xấu và thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, bên cạnh việc chọn loài dòng để trồng trên vùng này thì việc xác định quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc là hết sức quan trọng. Ở nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng Keo lá liềm là loài cây thích hợp để trồng trên vùng nghiên cứu.
Nghiên cứu sử dụng tiêu chuẩn x2 để so sánh và lựa chọn công thức có tỷ lệ sống cao nhất và tiêu chuẩn F để xác định mức độ biến động về sinh trưởng, sinh khối và sử dụng phương pháp phân tích đa tiêu chí để chọn công thức tốt nhất.
Thí nghiệm đã chọn công thức làm đất tốt nhất là cày + lên luống + cuốc hố với tỷ lệ sống là 82,3%, đường kính D1,3 là 8,2 cm, chiều cao là 6,3 m, sinh khối tươi là 15,5 kg/cây, sinh khối khô là 7,1 kg/cây. Thí nghiệm đã chọn công thức bón phân tốt nhất là 3 kg phân chuồng + 0,2 kg phân hữu cơ vi sinh với tỷ lệ sống là 80,7%, đường kính D1,3 là 8,4 cm, chiều cao là 6,3 m, sinh khối tươi là 15,3 kg/cây, sinh khối khô là 7,3 kg/cây. Thí nghiệm đã chọn công thức mật độ tốt nhất là 1.666 cây/ha với tỷ lệ sống là 80,7%, đường kính D1,3 là 8,4 cm, chiều cao là 5,3 m, sinh khối tươi là 15,7 kg, sinh khối khô là 7,1 kg.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, công thức trồng rừng vào tháng 11 là tốt nhất với tỷ lệ sống 81,3%, đường kính D1,3 là 8,3 cm, chiều cao là 7,0 m, sinh khối tươi là 17,0 kg/cây, sinh khối khô là 7,3 kg/cây. Thí nghiệm đã chọn được tuổi cây con tốt nhất là cây con 6 tháng tuổi với tỷ lệ sống 81,0%, đường kính D1,3 là 8,3 cm, chiều cao là 7,2 m, sinh khối tươi là 17,2 kg/cây, sinh khối khô là 6,9 kg/cây. Như vậy, kỹ thuật trồng rừng keo lá liềm trên vùng cát ven biển là làm đất bằng cách cày + lên luống + cuốc hố, bón 3 kg phân chuồng + 0,2 kg phân hữu cơ vi sinh, mật độ trồng là 1.666 cây/ha, mùa vụ trồng vào tháng 11 và tuổi cây con đem trồng 6 tháng tuổi là tốt nhất. |