Số lượng và vị trí bè trên sông của các hộ nuôi ở vùng nghiên cứu tập trung ở các xã, số lượng bè tăng dần từ 2010 đến 2014, và có sự tăng đồng đều ở các xã, do đối tượng này ngày càng được thị trường ưa chuộng, vì vậy, các hộ nuôi tăng cường mở rộng diện tích, tuy nhiên, do quy hoạch làm bờ kè của địa phương nên năm 2014 các xã Trường An và Tân Ngãi phải di chuyển sang xã Tân Hòa và bên kia sông thuộc xã cù lao An Bình. Mặc dù vị trí không gian nuôi của các chủ hộ có thay đổi, nhưng thể tích chung của vùng vẫn tăng và không bị thay đổi bởi việc quy hoạch này.
 |
Bản đồ khu vực nuôi |
Thể tích nuôi của các hộ (m3/hộ) tăng dần qua các năm từ 2010-2014, ở năm 2010 số hộ có bè lớn tập trung nhiều ở An Bình và khoảng 10% trong số này ở Tân Hòa, ở Tân Ngãi và Trường An có nuôi rải rác. Đến năm 2012 thì có sự gia tăng về thể tích nuôi, tăng nhiều nhất là vào năm 2014 với thể tích nuôi từ 577 – 2.076 m3/bè. Năm 2013, vùng này trở thành vùng cung cấp cá điêu hồng cho khu vực được nhiều người biết đến, lúc này xuất hiện các doanh nghiệp nuôi cá điêu hồng. Tân Ngãi là nơi thích hợp cho các doanh nghiệp do thuận tiện giao thông đường bộ cung cấp cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong khi An Bình thì không thay đổi nhiều, do vị trí cù lao khó khăn hơn trong việc giao thông.
Ngoài ra, do nhu cầu thị trường ngày càng cao và điều kiện thuận lợi cho đặt bè, một số xã bắt đầu phát triển mạnh như xã Đồng Phú (20.718 m3) có tổng thể tích nuôi cá chiếm vị trí thứ 2 chỉ sau xã An Bình (99.079 m3) vào năm 2014. Trong nuôi lồng bè, người nuôi luôn tìm nơi thích hợp nhất cho việc đặt bè (độ sâu và dòng chảy), nơi nào thích hợp thì di dời bè đến đó để phát triển.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (2013) nếu đặt ở nơi sông lớn, nguồn nước tốt, đủ dưỡng khí có thể thả 150-200 con/m3. Do nuôi mật độ cao, nên năng suất cá điêu hồng trong bè là cao nhất so với các mô hình khác, kết quả cũng thấy rằng không có sự biến động về năng suất qua các năm 2010, 2012 và 2014. Thời gian nuôi 6-7 tháng/vụ, tùy tốc độ tăng trưởng, cỡ giống và kích cỡ thu hoạch, có thể nuôi 1-2 vụ/năm, kích cỡ cá thu hoạch 0,5-0,8 kg/con, tùy thuộc giá và nhu cầu thị trường, người nuôi chủ động về mùa vụ và thời gian nuôi, do nguồn giống sẵn có.
Theo Tổng cục Thủy sản đến tháng 11/2014 thể tích nuôi cá rô phi lồng bè cả nước là 410.732 m3 đạt 118.800 tấn, cá rô phi hiện hay tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước và quốc tế, gần đây các doanh nghiệp ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đã xuất khẩu cá rô phi phi lê sang thị trường Mỹ và châu Âu mang lại giá trị kinh tế cao (Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang, 2015). Khi thị trường tiêu thụ cá điêu hồng đã ổn định và mở rộng, thì nghề nuôi cá điêu hồng trong lồng ngày càng mở rộng dọc theo các tuyến sông lớn của tỉnh, nhằm tận dụng điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc nuôi lồng bè này.
Theo cục Thống kê Vĩnh Long (2016) giá cá điêu hồng luôn ở mức cao và ổn định, người nuôi được lợi nhuận khá, toàn tỉnh có 1.054 lồng bè, với thể tích 237.362 m3, tăng 354 so với năm 2015. Từ 2015 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa cá rô phi vào danh sách các loài xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (ngoài cá tra và tôm) với giá trị xuất khẩu 200-300 triệu USD năm 2015. Theo quyết định 1639/QĐ-BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 6/5/2016 thì đến năm 2020 cả nước sẽ có 1.500.000 m3 nuôi cá rô phi bằng lồng bè trên sông, trong đó ĐBSCL là 1.130.000 m3, sản lượng 116.900 tấn với 50-60% là xuất khẩu. |