Vì vậy, nhiều nhà khoa học đã tham gia vào chiến lược phát triển các giống không hạt bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học tại Việt Nam đã nghiên cứu và chọn tạo các giống cam quýt không hạt để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Cam Sành là loại trái ngon, giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, được trồng nhiều ở ĐBSCL, nhưng giống trồng phổ biến hiện nay còn khá nhiều hạt, gây khó khăn trong việc chế biến và làm giảm giá trị sản phẩm.
Cam Sành có thể trồng dày, sai trái và cho năng suất cao nên người dân trồng nhiều (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2011). Các nhà khoa học Bộ môn Khoa học Cây trồng, khoa Nông Nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ đã phát hiện bảy cá thể cam Sành không hạt vào năm 2013 ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (Nguyễn Bá Phú và Nguyễn Bảo Vệ, 2014). Bên cạnh đó, Trần Thị Oanh Yến và ctv. (2010) đã thực hiện công trình nghiên cứu trên dòng cam sành CS8 có số lượng 10 - 23 hạt/quả, sau khi chiếu xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt dòng cam sành không hạt mang tên LĐ6 đã được tạo ra, đây là dòng cam Sành được Hội đồng công nhận giống Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận tạm thời.
Để có thông tin đặc điểm về di truyền của 07 dòng cam Sành không hạt được phát hiện năm 2013 tại Hậu Giang, đề tài được Lê Minh Triết, Nguyễn Bá Phú và Nguyễn Bảo Vệ Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện với mục tiêu có thể phân biệt các dòng cam Sành không hạt với nhau và với các dòng cam Sành phổ biến khác, đặc biệt là dòng cam Sành không hạt LĐ6 dựa trên trình tự matK. Tiến hành khuếch đại matK bằng cặp mồi matK- 390F/matK-1326R. Có sự đa dạng di truyền trong các dòng cam Sành không hạt và có hạt được khảo sát. Kết quả phân tích trình tự matK cho thấy, 7 dòng CSKH có các vị trí nucleotide khác biệt với nhau và khác với dòng cam Sành không hạt LĐ6 cũng như với dòng cam Sành có hạt đầu dòng CS8 và dòng cam Sành có hạt thương phẩm. Giản đồ phả hệ phân chia các dòng cam Sành thành 2 nhánh lớn với chỉ số bootstrap dao động từ 22-75%: nhánh I gồm các dòng cam Sành không hạt và nhánh II gồm 2 dòng cam Sành có hạt. Sự đa dạng di truyền trong chuỗi trình tự matK của 10 dòng cam Sành được khảo sát có thể dùng để phân biệt 7 dòng CSKH với nhau và với dòng LĐ6, dòng CS8, dòng cam Sành có hạt thương phẩm. |