Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (04/04/2017) ]
|
Ảnh hưởng của các giai đoạn tưới mặn đến sinh trưởng và năng suất của 4 giống lúa trong điều kiện nhà lưới
|
|
Đất bị nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm diện tích khá lớn, khoảng 0,88 triệu hecta, chiếm 36,6% diện tích so với toàn vùng và đứng thứ hai sau đất phù sa. Hiện nay, tình trạng hạn hán đang xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh ĐBSCL.
|
Nước mặn xâm nhập sâu vào trong đất liền gây ra những ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân. Trong những trường hợp thiếu nước ngọt vào cuối mùa khô hoặc cuối mùa mưa, người dân bất đắc dĩ dùng nước lợ tưới cho ruộng lúa. Việc tưới nước lợ đưa đến một số trở ngại cho lúa như: hạn chế quá trình hấp thu nước và dưỡng chất, mất cân bằng dinh dưỡng, ngộ độc ion.
Mỗi giống lúa biểu hiện khả năng chịu mặn khác nhau theo từng giai đoạn. Nhìn chung, phần lớn các giống lúa có khả năng chịu mặn ở mức thấp. Vì vậy, nghiên cứu sự thích nghi với vùng canh tác chịu ảnh hưởng mặn và tăng cường tính chịu mặn của các giống lúa là nhu cầu hết sức cần thiết. Để gải quyết vấn đề trên, đề tài “Ảnh hưởng của các giai đoạn tưới mặn đến sinh trưởng và năng suất của 4 giống lúa trong điều kiện nhà lưới” được các nhà khoa học ĐH Cần Thơ và Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Bạc Liêu thực hiện nhằm mục tiêu nghiên cứu ảnh hưởng của các giai đoạn tưới mặn đến sinh trưởng và năng suất của một số giống lúa trồng trên đất nhiễm mặn.
Thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện nhà lưới của Bộ môn Khoa học Đất, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2014 nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của các giai đoạn tưới mặn đến sinh trưởng và năng suất của 4 giống lúa trồng trên đất nhiễm mặn. Thí nghiệm thừa số hai nhân tố được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 giống lúa (Pokkali (chuẩn kháng), IR 28 (chuẩn nhiễm), OM 5451 và IR 50404 (chịu mặn)) kết hợp với 4 giai đoạn tưới mặn (không tưới mặn, 10 - 20 ngày sau khi cấy (NSKC), 45 - 60 NSKC, 10 - 20 và 45 - 60 NSKC), với nước tưới có độ mặn 4‰. Kết quả cho thấy, việc tưới mặn đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của bốn giống lúa khảo sát. Trong đó, nghiệm thức tưới mặn vào giai đoạn 45 - 60 NSKC có chiều cao, số chồi, các thành phần năng suất và năng suất tốt hơn so với tưới mặn ở giai đoạn 10 – 20 NSKC hoặc 10 - 20 và 45 - 60 NSKC. Ngoài ra, giống lúa OM 5451 duy trì được sinh trưởng và năng suất tốt hơn so với giống IR 28 và IR 50404. Cần thử nghiệm ở điều kiện ngoài đồng để đánh giá ảnh hưởng của mặn lên sự sinh trưởng và năng suất của bốn giống lúa khảo sát. |
ntbtra
Theo TC Khoa học Trường ĐHCT (Số chuyên đề Nông nghiệp -2016) |