Khổ qua là một
loại thực phẩm quen thuộc trong đời sống. Công dụng chữa bệnh của khổ qua được
truyền tụng theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, y học cổ truyền xác định rằng
khổ qua có vị đắng (khổ) tính lạnh (hàn), quy Tâm, Can, Phế kinh có tác dụng
thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát, minh mục.
Khổ qua
(Momordica charantia L.) còn có tên khác là Mướp đắng, Cẩm lệ chi, Hồng dương,
Lại bồ đào là loại phổ biến, phân bố ở nhiều quốc gia vùng nhiệt đới và cận nhiệt
đới. Đây là loại cây dây leo có tua cuốn đơn, mảnh. Thân có cạnh, lá mọc so le,
chia 5 – 7 thùy, mép có răng cưa, mặt dưới màu nhạt hơn mặt trên, gân lá có
lông ngắn.
Hoa đực và hoa
cái mọc riêng ở nách lá, có cuống dài, cánh hoa màu vàng nhạt. Quả hình thoi,
dài khoảng từ 8-15cm, mặt ngoài lồi lõm. Quả non có màu xanh, khi chín màu vàng
hồng. Hạt dẹp, trông gần giống hạt Bí ngô, quanh hạt có màng đỏ bao quanh.
Theo nhiều
nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho biết trái khổ qua có chứa:
Các Glucosid triterpenic: Charantin và hỗn hợp các chất thuộc nhóm
Stgmastadienol. Các chất hạ đường huyết: Pugazenthi – S – Murthy, chiết xuất ra
3 chất được đặt tên là Kakara.
Các nhà khoa học
cũng đã tìm ra trong trái khổ qua có chứa 1 số protein có tác dụng kìm hãm sự
phát triển của tế bào.
Hiện tại, khổ
qua đang được ứng dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường. Người ta dùng trái
khổ qua để điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 bằng nước ép và các món
ăn chế biến từ nó. Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2 cần dùng 50ml nước
ép khổ qua uống vào mỗi sáng lúc đói, có thể uống hỗn hợp nước ép khổ qua và nước
ép Lý gai (Amla) với tỉ lệ 1:1. Bệnh nhân dùng duy trì liên tục trong 2 tháng sẽ
có hiệu quả rõ rệt.
Khổ qua rừng có
thể dùng cả dây, rễ, lá, quả rửa sạch, phơi khô, sắc uống. Có thể uống lâu dài,
hoàn toàn không kỵ thuốc tây. Dùng cả trái khổ qua rừng chế biến nhiều món ăn
càng tốt, giúp ổn định đường huyết.
Những người có bệnh
đái tháo đường, ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, có thể
dùng khổ qua để giúp ổn định (hoặc giảm) lượng đường huyết (máu), bằng cách
dùng trái khổ qua tươi ép lấy nước để uống hằng ngày. Hoặc có thể ăn sống mỗi
ngày chừng 1 trái khổ qua tươi. Cách khác, lấy 100 – 200 gr khổ qua tươi, cùng
với 100 gr đậu phụ, chế biến: khổ qua rửa sạch, bỏ ruột, cắt lát mỏng, đậu phụ
cũng cắt lát. Cho dầu vào chảo, bắc lên bếp, dầu nóng cho khổ qua vào đảo sơ qua
và cho tiếp đậu phụ, cùng gia vị vào xào chín. Món này có thể dùng mỗi ngày.
|