Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (24/03/2017) ]
Ảnh hưởng của bổ sung bột tỏi lên năng suất sinh trưởng và hàm lượng vi khuẩn E. coli trong phân của heo giai đoạn tăng trưởng
Kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong phòng trị bệnh, kích thích tăng trưởng, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn cho heo. Tuy nhiên, tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi đang là mối quan tâm của người tiêu dùng và cơ quan an toàn thực phẩm.

Việc sử dụng kháng sinh thường xuyên, không đúng cách trong chăn nuôi - thú y đã dẫn đến sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn, nguy hiểm hơn là khả năng truyền gen đề kháng kháng sinh cho vi khuẩn gây bênh ở người cũng như môi trường, ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc điều trị cho người và vật nuôi. Do đó, hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam, việc tìm cách giảm sử dụng kháng sinh thay thế dần bằng thảo dược đang được quan tâm nhằm giúp phát triển sản xuất theo hướng an toàn và thân thiên với môi trường.

Tỏi (Allium Sativum L) là một loại thảo dược quý có chứa kháng sinh thực vật với rất nhiều ưu điểm như kích thích tiêu hóa, cải thiện tăng trọng, phòng và trị bệnh về đường tiêu hóa.

Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát ảnh hưởng của bột tỏi (garlicin 25%) lên sự sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn của heo đang tăng trưởng cũng như hàm lượng vi khuẩn E. coli bài thải ra môi trường.

Thí nghiệm được các nhà khoa học ĐH Cần Thơ tiến hành trên 105 heo sau cai sữa, giống heo lai Duroc x (Yorkshire – Landrace), có khối lượng bình quân đầu kỳ là 15,03±0,23 kg/con và được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên vào 7 nghiệm thức: Đối chứng (ĐC) là khẩu phần cơ sở (KPCS), không bổ sung chế phẩm bột tỏi (BT), KPCS bổ sung 0,04% BT (BT4), KPCS bổ sung 0,06% BT (BT6), KPCS bổ sung 0,08% BT (BT8), KPCS bổ sung 0,10% BT (BT10), KPCS bổ sung 0,12% BT (BT12), KPCS bổ sung 0,14% BT (BT14) và 3 lần lặp lại. Kết quả về khối lượng cuối kỳ (kg/con) của heo ở BT12 (67,67) là cao nhất (p<0,05) so với ĐC (62,90); tăng trọng tích lũy (kg/con) của heo ở BT12 (50,51) cao nhất (p<0,01) và ĐC (45,75) thấp nhất; tăng trọng bình quân (g/con/ngày) của heo ở BT12 (750) là cao nhất (p<0,01) so với heo ĐC (682). Hệ số chuyển hóa thức ăn của heo ở BT12 (2,44) thấp nhất (p<0,01) so với ĐC (2,66). Hàm lượng vi khuẩn E.coli trong phân heo (x106 CFU/g) vào cuối kỳ ở BT14 (1,74) là thấp nhất so với heo ĐC (2,25) (p<0,01). Việc bổ sung bột tỏi vào khẩu phần ở mức độ 0,12% đã giúp heo tăng mức tăng trọng, hiệu quả sử dụng thức ăn và kinh tế; cũng như hạn chế sự bài thải của vi khuẩn E.coli ra môi trường.

ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT- Số chuyên đề Nông nghiệp -2016)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->