Việc quản lý đối tượng này bằng thuốc trừ sâu ngày một khó khăn do sâu có khả năng kháng thuốc rất cao. Vì thế, biện pháp sinh học là một trong những giải pháp thích hợp, trong đó sử dụng vi rút NPV (nucleopolyhedrovirus) sẽ mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, việc nhân nuôi và sản xuất vi rút NPV gặp khó khăn do phải nhân sinh khối của thể vùi trên chính ký chủ sống. Phương pháp sản xuất chế phẩm NPV có hiệu quả đó chính là nuôi sâu ký chủ trong phòng thí nghiệm bằng thức ăn nhân tạo và lây nhiễm vi rút vào cơ thể ký chủ. Nuôi nhân ấu trùng của các loài côn trùng gây hại cây trồng với mật số lớn rất khó khăn vì cần chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đầy đủ dưỡng chất và vitamine cần thiết
Trong 5 loại thức ăn nhân tạo và hành lá, công thức 5 (CT5) chứa thành phần gồm đậu xanh, đậu trắng, đậu nành, bột bắp, bột mì, bột mì tinh, men bia, methyl-p- benzoate, vitamin, ascorbic acid, chloramphenicol, CuSO4.5H2O, MgSO4.5H2O, CaCl2, KH2PO4 và NaCl là tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của sâu xanh da láng, với tỷ lệ sống ở giai đoạn ấu trùng là 97%, tỷ lệ sống ở giai đoạn nhộng là 91%, trọng lượng và chiều dài trung bình ở giai đoạn ấu trùng và nhộng cao nhất, thời gian hoàn thành vòng đời của sâu xanh da láng là 19,3 ngày, tỷ lệ nhộng đực và nhộng cái là 1:1, số lượng trứng trung bình của ngài là 350,8 trứng,
tỷ lệ nở của trứng là 100%.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc ĐH Cần Thơ và Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang. |