Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (20/02/2017) ]
|
Khảo sát hiện tượng nứt trái chôm chôm Rongrien (Nephelium lappaceum Linn) tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ
|
|
Hiện nay, giống chôm chôm Rongrien đã được nhiều nhà vườn biết đến và trong những năm gần đây diện tích trồng cây chôm chôm Rongrien cũng không ngừng gia tăng.
|
Giống chôm chôm Rongrien có nhiều triển vọng để thay thế dần giống chôm chôm Java hiệu quả kém đang được trồng phổ biến ở nước ta do có đặc tính sinh trưởng mạnh, dễ ra hoa và đậu trái, đặc biệt là thích nghi với điều kiện Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Mặc dù có nhiều ưu điểm về sinh trưởng, dễ ra hoa, đậu trái, phẩm chất ngon, giá trị thương phẩm cao,… nhưng hạn chế lớn nhất hiện nay mà nhà vườn gặp phải ở chôm chôm Rongrien là hiện tượng nứt trái, đặc biệt là khi mưa nhiều.
Hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có công trình nghiên cứu chính thức về hiện tượng nứt trái ở chôm chôm Rongrien mặc dù đã có nghiên cứu trên trái cà chua, anh đào, vải, lựu… Vì thế, việc khảo sát hiện tượng nứt trái chôm chôm Rongrien được Trần Thị Bích Vân và Lê Bảo Long thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm tìm ra thời điểm nứt trái và yếu tố có liên quan, mối quan hệ giữa đặc tính sinh lý – sinh hóa với hiện tượng nứt trái làm cơ sở cho việc nghiên cứu khắc phục hiện tượng này là rất cần thiết.
Mục tiêu của khảo sát là tìm hiểu về hiện tượng nứt trái và mối quan hệ với đặc tính sinh lý – sinh hóa trái. Khảo sát bắt đầu từ tháng 3/2014 khi cây chôm chôm đậu trái và kết thúc vào tháng 7/2014. Mẫu trái thu thập ngẫu nhiên trên 30 cây chôm chôm (4 năm tuổi) trong cùng 1 vườn có cùng chế độ chăm sóc tại xã Mỹ Khánh – huyện Phong Điền – thành phố Cần Thơ.
Thu mẫu lần đầu vào ngày 15 tháng 3 năm 2014 (2 tuần sau khi đậu trái), các lần kế tiếp cách nhau 2 tuần. Kết quả cho thấy hiện tượng nứt trái xuất hiện ở giai đoạn trái bắt đầu trưởng thành (sau 12 tuần đậu trái) và tăng nhanh đến khi thu hoạch. Mưa nhiều trong giai đoạn thịt trái tăng trưởng mạnh nhưng vỏ trái đã ngừng tăng trưởng và hàm lượng Ca2+ ở vỏ trái thấp là yếu tố có liên quan đến hiện tượng nứt trái. Tại thời điểm thu hoạch, trái bị nứt có vỏ mỏng và hàm lượng Ca2+ ở vỏ trái thấp so với trái bình thường, trong khi tỷ lệ rò rỉ ion cao hơn. Có sự tương quan thuận chặt giữa tỷ lệ nứt trái với hàm lượng Ca2+ tổng số ở vỏ trái và độ dày vỏ trái. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (Số chuyên đề Nông nghiệp -2016) |