Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (18/02/2017) ]
|
Khảo sát khả năng đối kháng của xạ khuẩn đối với nấm Phytophthora SP. gây bệnh cháy lá, thối thân trên cây sen
|
|
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, các mô hình trồng sen trên đất vùng trũng và ruộng lúa cho năng suất và lợi nhuận ngày càng cao. Tuy nhiên, việc thâm canh kéo dài nhưng kỹ thuật canh tác cũng như quản lý dịch hại chưa được quan tâm đúng mức nên đã dẫn đến tình trạng dịch hại ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó bệnh cháy lá, thối thân do nấm Phytophthora sp. gây ra là bệnh rất phổ biến trên cây sen.
|
Đối với bệnh do tác nhân Phytophthora gây ra thì việc phòng trị bệnh là rất khó khăn do nấm có phạm vi ký chủ rộng và có khả năng lưu tồn rất lâu trong đất. Việc sử dụng thuốc hóa học để quản lý bệnh tuy cho hiệu quả nhanh chóng nhưng không bền vững vì có một số nhược điểm như: gây ô nhiễm môi trường, không an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng, tăng chi phí sản xuất và tạo điều kiện cho nấm bệnh hình thành nòi kháng thuốc. Hơn nữa, hậu quả của việc lạm dụng nông dược còn giết chết vi sinh vật đối kháng với dịch bệnh, từ đó làm mất cân bằng sinh thái và dịch bệnh dễ bộc phát nhanh.
Để khắc phục những hạn chế đó và hướng đến nền nông nghiệp sản xuất theo hướng an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường thì biện pháp sinh học dần được sử dụng thay thế cho biện pháp hóa học. Trong đó, việc nghiên cứu và ứng dụng các xạ khuẩn Streptomyces để đối kháng với nấm bệnh đang rất có triển vọng do xạ khuẩn có khả năng đối kháng mạnh thông qua việc tiết ra các sản phẩm hữu cơ đa dạng.
Nghiên cứu này được Đinh Hồng Thái (Huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) và Lê Minh Tường (ĐH Cần Thơ) thực hiện nhằm tìm ra chủng xạ khuẩn có khả năng đối đối kháng với nấm gây bệnh cháy lá, thối thân trên cây sen làm tiền đề cho những nghiên cứu sau nhằm tìm ra sản phẩm sinh học vừa có khả năng quản lý bệnh vừa thân thiện với môi trường.
Kết quả phân lập được 93 chủng xạ khuẩn từ đất trồng sen ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đánh giá sơ khởi đã chọn được 30 chủng xạ khuẩn có khả năng đối kháng cao với nấm gây bệnh cháy lá – thối thân trên cây sen. Khả năng đối kháng của 30 chủng xạ khuẩn đối với nấm Phytophthora sp. được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, 5 chủng xạ khuẩn CM18, HG3, HG4, TG1 và BL6 luôn thể hiện khả năng đối kháng cao và bền với nấm Phytophthora sp.. Trong đó, chủng CM18 thể hiện khả năng đối kháng cao nhất với bán kính vòng vô khuẩn là 16,75 mm và hiệu suất đối kháng là 89,89% ở thời điểm 60 giờ sau khi cấy. Khả năng tiết enzyme β-glucanase của các chủng xạ khuẩn có triển vọng được thực hiện trên môi trường β-glucan với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, chủng xạ khuẩn CM18 có khả năng tiết enzyme β-glucanase cao nhất với bán kính vòng phân giải là 10,81 mm ở thời điểm 14 ngày sau khi cấy. Bên cạnh đó, các chủng xạ khuẩn thí nghiệm đều có khả năng tiết siderophore dạng hydroxamates. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (Số chuyên đề Nông nghiệp -2016) |