Cây thuốc vị thuốc [ Đăng ngày (09/02/2017) ]
Dùng cây mật gấu lợi hay hại?
Trong thời gian gần đây, phong trào sử dụng cây mật gấu làm thuốc ngày càng phổ biến nhưng ít ai biết được công dụng và tác hại của nó như thế nào. Bài viết này sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích về cây mật gấu mà bạn nên biết.

Cây mật gấu.

Cây mật gấu hay còn gọi là cây Hoàng liên ô rô hay cây mã rồ, nhiều nơi thường gọi là cây lá đắng. Nó có tên khoa học là Vernonia amygdalina Del. hoặc Gymnanthemum amygdalinum thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Cây này đã được sử dụng từ rất lâu trong y học dân gian ở một số nước châu Phi và châu Á trong đó hiện phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Công dụng cũng như tác hại của nó đã được nghiên cứu và chứng minh bằng thực nghiệm lâm sàng. Dưới đây là những thông tin cụ thể về loại cây này.

Thành phần hóa học của cây mật gấu

Cây mật gấu chứa rất nhiều thành phần với các tác dụng khác nhau. Các chất alkaloids, saponin, tannin, glycoside gây ra vị đắng của lá cây. Bên cạnh đó, nó cũng có các hợp chất có tác dụng kháng ung thư như terpene, steroid, coumarin, flavonoid, acid phenolic, lignan, xanthone…

Ngoài ra, cây mật gấu còn chứa nhiều vitamin và chất khoáng như magnesium, chromium, selenium, sắt, đồng, kẽm, vitamin A, E, C, B1, B2… đem lại nhiều hiệu quả tốt cho cơ thể.

Tác dụng dược lý

Theo nhận định của các chuyên gia, cây mật gấu có tác dụng chữa các bệnh viêm mãn tính, lão hóa, các bệnh giun sán và nhiễm khuẩn.

Chất Polyphenol trong cây mật gấu có tác dụng kháng viêm, thải độc, bảo vệ thận, gan, hỗ trợ điều trị một số bệnh ngoài da. Nhờ đó, nó giúp cơ thể ổn định đường huyết và bảo vệ tim mạch.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trong quyển Y - Sinh học thực nghiệm tháng 2 năm 2004 (Experimental Biology and Medicine of February 2004 Edition), cây mật gấu góp phần hạ thấp tỷ lệ ung thư vú.

Độc tính và tác dụng phụ

Những thử nghiệm thực tế trên động vật cho thấy, hoàn toàn không có sự khác biệt giữa động vật được và không được uống dịch chiết từ cây mật gấu.

Thân cây mật gấu thái nhỏ.

Thử nghiệm này đánh giá về mô học của tim, gan, thận. Trọng lượng cơ thể, các chỉ số về máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu… Từ kết quả cho thấy rằng, độc tính của cây mật gấu chưa được ghi nhận trên thực nghiệm.

Tuy nhiên, việc sử dụng cây mật gấu trong thời gian kéo dài với liều cao cũng có thể gây ra các tác dụng ngoài ý muốn. Các tác dụng phụ thường gặp như hạ huyết áp, táo bón.

Cây mật gấu dùng chữa bệnh nào?

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia y học dân gian, cây mật gấu được dùng trong điều trị một số bệnh như đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và một số bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa…

Được biết, tác dụng của cây mật gấu trong quá trình chữa trị các bệnh kể trên đã được chứng minh bằng thực nghiệm lâm sàng.

Cách sử dụng cây mật gấu


Thân cây mật gấu ngâm rượu.

Có nhiều cách sử dụng cây mật gấu, nhưng đơn giản và hiệu quả nhất ta thường dùng hai cách sau:

- Dùng cây mật gấu sắc nước uống hằng ngày. Chúng ta chỉ cần sử dụng lá hoặc thân cây mật gấu tươi rửa sạch, cho vào ấm đun sôi với nước theo tỉ lệ 20 g/1 lít nước. Sau 15 phút, nhấc xuống để nguội và dùng như nước uống hằng ngày.

- Dùng cây mật gấu ngâm rượu. Đem thân cây mật gấu rửa sạch, chẻ nhỏ rồi phơi khô. Sau đó cho vào ngâm với rượu trong bình. Khi rượu chuyển sang màu vàng đậm thì có thể sử dụng. Tùy theo nồng độ mà người dùng có thể pha loãng hay uống trực tiếp.

Lời khuyên khi sử dụng cây mật gấu

Nhiều tài liệu trên thế giới đã cho thấy công dụng và độ an toàn khi uống cây mật gấu nhưng hiện nay ở Việt Nam, chưa có công trình nghiên cứu nào về cây mật gấu.

Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng cây mật gấu một cách thận trọng. Không nên dùng cây mật gấu thay thế các thuốc điều trị đặc hiệu (thuốc hạ áp, hạ đường huyết…), mà nên dùng phối hợp.

Liều lượng khuyến cáo khi sử dụng cây mật gấu là khoảng 10 g lá tươi (3-5 lá) hoặc 5-8 g lá khô.

Nếu muốn có được thông tin thật sự cần thiết và phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh của mình, bạn nên tìm đến các chuyên gia sức khỏe để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Quốc Long (tổng hợp)
Theo khoahocphattrien.vn (ntbtra)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Chế phẩm vi sinh giảm histamine: "Giải nguy" nước mắm truyền thống
Ngoài mục đích giải quyết bài toán về tiêu chuẩn sản xuất, việc thực hiện những nghiên cứu như giải pháp giảm histamine trong nước mắm của TS. Trần Thị Thu Hằng và các cộng sự ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam được kỳ vọng giúp nước mắm truyền thống trở về đúng vị trí của mình trên thị trường hơn 90 triệu dân.


Mẹo vặt  
 
 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->