Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (16/01/2017) ]
Ảnh hưởng của sự bổ sung phụ phẩm khoai lang kết hợp khô dầu dừa lên tăng trọng, chất lượng thân thịt và tỷ lệ tiêu hóa dưỡng chất của thỏ lai
Trong những năm gần đây, nghề nuôi thỏ đã và đang phát triển trong cả nước góp phần cung cấp “sản phẩm sạch” cho người tiêu dùng. Thịt thỏ rất có giá trị dinh dưỡng, do hàm lượng đạm cao (20-21%) chất béo thấp (4-5%) và cholesterol thấp (45mg/kg).

Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn thức ăn xanh tự nhiên rất đa dạng và phong phú như cỏ lông tây, bìm bìm, cỏ họ đậu... đây là nguồn thức ăn giàu đạm và xơ, rất thích hợp cho chăn nuôi thỏ. Tuy nhiên việc sử dụng phần lớn thức ăn là rau, cỏ trong khẩu phần nuôi nên thỏ chưa đạt được năng suất cao do thiếu bổ sung nguồn thức ăn cung cấp protein và năng lượng. Khẩu phần không cân bằng dưỡng chất là một trong những hạn chế trong chăn nuôi thỏ ở ĐBSCL.

Để đạt được năng suất tốt, thỏ cần được cung cấp khẩu phần cân đối về đạm, năng lượng. Trong những năm trở lại đây, ngành chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản củ, quả đến thị trường Nhật Bản và các nước Châu Âu đang được đẩy mạnh ở vùng ĐBSCL như: khóm, chuối,…và đặc biệt là khoai lang. Song song với việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu thì phụ phẩm khoai lang cũng được thải ra ở các nhà máy chế biến với số lượng lớn mỗi ngày, được phơi khô để tồn trữ làm thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, công nghệ đã tạo ra nguồn phụ phẩm khô dầu dừa dồi dào. Khô dầu dừa có các thành phần dinh dưỡng còn khá cao như hàm lượng đạm (CP: 20,7%) và chất béo (EE:9,25%) rất thích hợp để sử dụng vào khẩu phần nuôi gia súc.

Một nghiên cứu đã được Nguyễn Thị Kim Đông và Nguyễn Văn Thu Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của sự bổ sung phụ phẩm khoai lang (KL) kết hợp với khô dầu dừa (KDD) ở các mức độ khác nhau trong khẩu phần lên tăng trọng, chất lượng thân thịt, tỷ lệ tiêu hóa dưỡng chất của thỏ lai. Sáu mươi thỏ lai ở 8 tuần tuổi được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Năm nghiệm thức là 5 mức độ bổ sung KL kết hợp với KDD tương ứng với các khẩu phần lần lượt là KL10-KDD30, KL20-KDD25, KL30-KDD20, KL40-KDD15 và KL50-KDD10. Mỗi đơn vị thí nghiệm gồm có 4 thỏ lai cân bằng phái tính và thí nghiệm được tiến hành trong 8 tuần. Thí nghiệm tiêu hóa dưỡng chất được thực hiện trong 7 ngày khi thỏ đạt 11 tuần tuổi. Kết quả cho thấy lượng DM, OM và ME tiêu thụ cao hơn có ý nghĩa thống kê (p<0,05) khi tăng mức độ bổ sung KL và giảm KDD, trong khi lượng CP, EE tiêu thụ cao nhất (p<0,05) ở NT KL10-KDD30. Khối lượng cuối kỳ và tăng trọng và của thỏ cao nhất, có ý nghĩa thống kê (p<0,05) ở nghiệm thức KL10-KDD30. Khối lượng thân thịt, thịt đùi, thịt tuộc; tỷ lệ tiêu hóa các dưỡng chất và lượng nitơ tích lũy cao nhất (p<0,05) ở nghiệm thức KL10-DD30. Thí nghiệm có thể được kết luận ở mức bổ sung mỗi ngày là 10 g phụ phẩm KL kết hợp với 30 g KDD cho thỏ lai cải thiện được tăng trọng, năng suất thịt và tỷ lệ tiêu hóa dưỡng chất.

ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (Số chuyên đề Nông nghiệp -2016)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->