Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ giữ vị trí rất quan trọng, nằm cạnh trung tâm của thành phố Cần Thơ nên có tiềm năng và lợi thế để phát triển làng nghề kết hợp với du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, do làng nghề được người dân phát triển tự phát nên chỉ áp dụng phương pháp sản xuất và canh tác truyền thống, trong đó các khó khăn trong sử dụng giá thể là chưa đa dạng hóa nguồn nguyên liệu có giá thành hạ. Ngoài ra do phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ các nơi khác, không ổn định, nên giá cả tăng cao vào các cao điểm mùa trồng, gây khó khăn cho sản xuất và làm tăng giá thành sản xuất.
Cúc Đồng Tiền là loại cây tương đối khó trồng cần có giá thể và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Cúc Đồng Tiền là cây trồng rất mẫn cảm với độ pH, dễ thiếu vi lượng ở pH cao. Giá thể cần có độ acid chua nhẹ, (pH từ 5,5 - 5,8), EC từ 1,2 - 1,5 dS/m, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, môi trường giá thể tốt cần có các tính chất hóa học như pH = 5.2– 6.3, EC=.0,75-3,49. Do đó việc xử lý giá thể có độ pH và độ dẫn điện EC phù hợp là rất cần thiết.
Dựa trên tình hình nghiên cứu ngoài nước, các vật liệu có thể sử dụng để làm giá thể trồng hoa kiểng là đất mặt, cát, thịt, than bùn, hạt đá trân châu (pertile), rơm đã qua chất nấm, mụn dừa ủ compost, bã bùn mía, vỏ đậu phộng. Các nguyên liệu như bùn mía, bã đã qua chất nấm bào ngư, phân bò là nguyên liệu sẵn có ở địa phương, giá thành rẻ nhưng chưa được nghiên cứu để sử dụng.
Mụn dừa là nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành rẻ, có đặc tính lý hóa học, dinh dưỡng phù hợp và chất trích mụn dừa có tính chất chống chịu các nguồn vi sinh vật gây bệnh từ đất tốt cần được nghiên cứu để sử dụng.
Vì vậy hai nhà khoa học Dương Minh Long và Nguyễn Mỹ Hoa thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện nghiên cứu này để xác định một số đặc tính lý hóa học, dinh dưỡng của các nguyên liệu như mụn dừa, bã đã trồng nấm bào ngư, bã đã trồng nấm rơm, bùn mía, phân bò và xác định hiệu quả của biện pháp xử lý mụn dừa trên sinh trưởng cúc Đồng tiền. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bùn mía là nguyên liệu có pH phù hợp, hàm lượng đạm, lân và Ca cao, khả năng giữ nước thấp là nguyên liệu tốt để làm giá thể trồng hoa nhưng cần ủ hoai. Các nguồn nguyên liệu khác có những ưu và nhược điểm riêng về các đặc tính lý hóa học và dinh dưỡng, do đó cần khắc phục các nhược điểm của các nguyên liệu khi sử dụng để làm giá thể trồng hoa. Việc xử lý mụn dừa trước khi trồng bằng chế phẩm Trichoderma, mụn dừa xử lý bằng thuốc gốc đồng và mụn dừa ủ hoai cho kết quả tốt nhất. Biện pháp xử lý mụn dừa bằng vôi mặc dù hạn chế mầm bệnh Fursarium, nhưng pH tăng cao có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng cúc Đồng tiền. |