Nguồn lực lao động và số nhân khẩu trong nông hộ không có sự khác biệt giữa 2 nhóm hộ với nhau. Tuy nhiên, diện tích đất đai sản xuất có sự khác biệt và ảnh hưởng đến việc chuyển dịch, cũng như thực hiện các mô hình luân canh tôm-lúa. Ở nhóm hộ nuôi tôm độc canh có tổng diện tích đất và đất ruộng ít hơn ở nhóm hộ làm mô hình tôm-lúa (tương ứng; 1,3 so với 1,6 ha; và 1,2 so với 1,5 ha). Sự phân chia ra nhiều thửa đất trong nông hộ để thực hiện các mô hình canh tác theo sự bố trí mùa vụ khác nhau là yếu tố để ứng phó với các rủi ro do tôm chết và lây lan dịch bệnh trong hệ thống canh tác. Số thửa đất là yếu tố có liên quan đến việc chuyển dịch các mô hình canh tác trong vùng như: nhóm hộ luân canh tôm-lúa có số thửa đất nhiều hơn nhóm hộ nuôi tôm độc canh.
 |
Kết quả phân tích cho thấy nhóm thực hiện mô hình nuôi tôm độc canh (2-3 vụ/năm) thả mật độ tôm nuôi cao hơn nhóm hộ thực hiện tôm-lúa. Nếu chỉ so sánh mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng thì ở nhóm nuôi tôm độc canh thả mật độ cao từ 27 đến 28 con so với 18 con/m2 ở nhóm hộ thực hiện tôm-lúa, và mật độ này cao hơn rất nhiều nếu so sánh với mật độ nuôi tôm sú (8 con/m2). Do đầu tư thâm canh và nuôi ở mật độ cao nên khâu kiểm tra chất lượng tôm giống ở nhóm nuôi tôm độc canh được thực hiện nhiều hơn so với nhóm tôm-lúa; cụ thể là tỷ lệ giống tôm đã qua kiểm tra PCR chiếm từ 72-77% so với 56-66% số ý kiến ở nhóm hộ tôm-lúa. Điều này phù hợp với nghiên cứu trước đây cho rằng nuôi tôm ở mật độ cao sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ liên quan đến tôm chết cao hơn so với nuôi ở mật độ thấp (Be and et al., 2003).
Thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 66 đến 70 ngày/vụ nuôi và nuôi tôm sú là 125 ngày/vụ nên nhóm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng có thể thả nuôi từ 2 đến 3 vụ/năm, trong khi nuôi tôm sú chỉ thả được một vụ/năm. Người dân nuôi 2 vụ tôm thẻ chân trắng hoặc một vụ tôm sú trong mùa nắng thì có thể canh tác một vụ lúa trong mùa mưa, nhưng khi tăng lên 3 đến 4 vụ tôm thẻ chân trắng/năm thì không còn đủ thời gian để canh tác vụ lúa. Nếu người dân chạy theo lợi nhuận từ việc tăng số vụ nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ phá vỡ qui hoạch mô hình luân canh tôm-lúa theo khuyến cáo của địa phương về tính bền vững của mô hình canh tác. Hơn nữa, thâm canh tăng số vụ tôm thì thời gian giữ nước mặn trên ruộng càng lâu ngày làm cho mặt đất bị nhiễm mặn nhiều hơn (Lê Quang Trí và ctv., 2009) gây khó khăn cho canh tác cây lúa.
Nhóm hộ nuôi tôm độc canh đầu tư thức ăn công nghiệp nhiều hơn nhóm hộ làm tôm-lúa để đạt sản lượng tôm nuôi cao hơn. Ở nhóm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng độc canh đầu tư lượng thức ăn từ 2,7 đến 3,3 tấn/ha/vụ nuôi để đạt sản lượng tôm từ 2 -2,5 tấn/ha mặt nước; lượng thức ăn này thì cao hơn so với nhóm hộ làm tôm-lúa (1,3 tấn thức ăn để đạt năng suất tôm từ 0,8 đến 2,1 tấn/ha/năm). Kích cỡ thu hoạch bình quân của nuôi tôm thẻ chân trắng là 14,3 g/con thấp hơn so với kích cỡ thu hoạch của nuôi tôm sú là 16,9 g/con. Ngày công lao động chăm sóc tôm nuôi ở nhóm nuôi tôm độc canh cũng cao hơn so với nhóm hộ làm tôm-lúa.
Kết quả phân tích vấn đề từ các cuộc thảo luận nhóm nông dân cho thấy các khó khăn thách thức mà người dân thực hiện mô hình tôm-lúa gặp phải hiện nay là hiệu quả kinh tế của nuôi tôm ngày càng giảm, do các chi phí đầu tư cho sản xuất thì ngày càng tăng cao, trong khi giá tôm thì không ổn định, dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng nhiều hơn và chất lượng nước ngày càng xấu đi. Chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao là do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp sự phát triển của nuôi tôm (thiếu hệ thống cấp thoát nước và điện) và dịch vụ hỗ trợ nuôi tôm chưa được tốt (chất lượng con giống kém, giá thức ăn, thuốc và vật tư khác tăng cao). Giá tôm nuôi không ổn định và thường thấp do cung và cầu thị trường thay đổi, trong đó có chất lượng tôm nuôi chưa được đảm bảo an toàn. Dịch bệnh trên tôm ngày càng nhiều do chất lượng tôm giống chưa được kiểm dịch tốt, tác động tiêu cực của thời tiết (nắng nóng, mưa bất thường) và lịch mùa vụ thay đổi (do người dân tự làm và tăng số vụ nuôi). Chất lượng nguồn nước kém là do công tác quản lý cống chưa tốt (lịch đống và mở chưa thông báo rộng rãi đến tất cả người nuôi tôm trong khu vực), người dân sử dụng nhiều hóa chất trong nuôi tôm đã tác động tiêu cực đến nuôi tôm.
|
Nguyên nhân và giải pháp cho mô hình canh tác
Kết quả phân tích các yếu tố tác động chính đến nuôi tôm của người dân những năm qua là do dịch bệnh ngày càng nhiều (chiếm 54% số ý kiến trả lời), ảnh hưởng của thời tiết thay đổi gây bất lợi cho tôm nuôi (17% số ý kiến) và sự chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ (10% số ý kiến). Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Võ Văn Sơn và ctv. (2014) khi nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trên cùng diện tích thì mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng gây ra ô nhiễm nguồn nước nhiều hơn tôm sú. Nguyên nhân tôm nuôi bị bệnh nhiều hơn là do nguồn nước cho nuôi tôm bị ô nhiễm và thời tiết bất lợi (Trần Ngọc Tùng và Bùi Văn Trịnh, 2014). Sự chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng làm thay đổi cơ cấu mùa vụ trong vùng, tăng đầu tư thức ăn, nguồn nước sử dụng, thay đổi mức độ phèn mặn trong đất do nạo véc ao sâu hơn và việc chăm sóc quản lý ao nuôi cũng thay đổi.
Những nguyên nhân và các tác động đến trồng lúa là sâu bệnh gây hại nhiều (chiếm 58% số ý kiến) do cơ cấu mùa vụ canh tác lúa khác nhau giữa các giống lúa, việc xử lý thuốc bảo vệ thực vật cho lúa bị giới hạn vì lo sợ ảnh hưởng đến nuôi tôm, giống lúa bị nhiễm sâu bệnh nhiều là ST5. Thiếu nguồn nước ngọt đầu mùa mưa để tháo chua rửa mặn là yếu tố ảnh hưởng chính đến mùa vụ gieo sạ lúa (chiếm 34% số ý kiến); và mặt đất bị nhiễm mặn nhiều do thời gian nuôi tôm kéo dài nhiều vụ/năm cũng ảnh hưởng đến việc canh tác lúa (chiếm 8%). Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lê Quang Trí và ctv. (2009) là dẫn nước mặn vào nuôi tôm làm cho ruộng lúa bị nhiễm mặn nhiều hơn.
Để ứng phó với các khó khăn trở ngại trên thì một số giải pháp được đề xuất như sau: (1) có thể giảm ô nhiễn nguồn nước thì cần có qui chế quản lý nước trong cộng đồng theo yêu cầu sử dụng nước ở khu vực và vùng sản xuất (chiếm 20% số ý kiến); (2) xử lý tốt nguồn nước trong nuôi tôm khi lấy nước vào và thải nước ra kênh/mương (chiếm 18%); (3) làm các ao lắng/ao trữ nước cho ruộng nuôi tôm (chiếm 16%); (4) cải tiến hệ thống thủy lợi trong khu vực phục vụ nuôi tôm luân canh với lúa (chiếm 15%); (5) xây dựng lịch mùa vụ cụ thể theo từng khu vực (chiếm 15%); (6) giảm mức độ đầu tư thâm canh trong nuôi (chiếm 11%); (7) thay đổi mô hình sản xuất cho phù hợp hơn theo từng vùng (chiếm 4%); và (8) có cơ chế xử lý nghiêm những nơi gây ra ô nhiễm môi trường (chiếm 3%). |