Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (05/11/2016) ]
Đánh giá tăng trưởng và khả năng đáp ứng miễn dịch của cá lóc (Channa striata) bằng thức ăn bột đậu nành có bổ sung mannan oligosaccharides
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Thị Thanh Hiền, Lê Hữu Nghị và Phạm Minh Đức thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm đánh giá khả năng thay thế bột cá bằng bột đậu nành và bổ sung mannan oligosaccharides (MO) trong nuôi cá lóc (Channa striata).

Cá lóc (Channa striata) là đối tượng nuôi phổ biến ở đồng bằng công Cửu Long bởi chất lượng thịt ngon và giá cả hợp lý. Thức ăn nuôi cá lóc là cá tạp, tuy nhiên trong những năm gần đây thức ăn sử dụng cho nuôi cá lóc chủ yếu là thức ăn viên và nguồn đạm trong thức ăn viên có nguồn gốc từ bột cá nên phần nào ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Mặt khác, việc thay thế một phần đạm có nguồn gốc động vật bằng đạm có nguồn gốc thực vật làm thức ăn cho cá lóc có ý nghĩa rất lớn trong thực tiễn sản xuất vừa giảm được giá thành sản xuất và giảm áp lực cho việc khai thác cá tạp trong tự nhiên.

Hàm lượng đạm trong đậu nành chứa nhiều axit amin thiết yếu rất cần thiết cho động vật thủy sản, ngoài ra một trong những giải pháp tăng cường khả năng kháng bệnh cho cá nuôi đó là bổ sung chất kích thích miễn dịch vào khẩu phần ăn, điển hình như mannan oligosaccharides (MO) được chiết xuất từ vách tế bào nấm men (Saccharomyces cerevicie). Chính vì những lý do trên, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá tăng trưởng và khả năng đáp ứng miễn dịch của cá lóc (Channa striata) bằng thức ăn bột đậu nành có bổ sung mannan oligosaccharides.

Thí nghiệm gồm 6 nghiệm thức thức ăn được phối chế cùng mức đạm (45%), béo (9%) và năng lượng (19,3 Kcal/kg) gồm 2 nhóm: nhóm bột cá (FM) có 3 nghiệm thức sử dụng 100% đạm từ bột cá và nhóm bột đậu nành (SB) có 3 nghiệm thức thay thế đạm bột cá bằng 40% SB. Mỗi nhóm được bổ sung lần lượt 0, 0,2 và 0,4% MO và lặp lại 3 lần. Sau 8 tuần, tăng trưởng ở nghiệm thức có bổ sung MO khác biệt có ý nghĩa thống kê (P>0,05), hiệu quả sử dụng thức ăn và tỷ lệ sống ở nghiệm thức MO cao hơn nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Các chỉ tiêu đáp ứng miễn dịch như hồng cầu, bạch cầu, kháng thể (I g) và lysozym có khuynh hướng tăng dần theo nồng độ MO. Thí nghiệm cảm nhiễm được chia thành 2 nhóm tiêm 0,2 ml dung dịch muối và Aeromonas hydrophila (CL1403). Sau 2 tuần, lysozym tăng tỷ lệ thuận với nồng độ MO. Đặc biệt các nghiệm thức có bổ sung MO 0,2 – 0,4% thì tỷ lệ chết của cá lóc thấp hơn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi cá lóc có 40% SB có bổ sung 0,2 – 0,4% MO cho hiệu quả tốt về tỷ lệ sống, tăng trưởng, chỉ tiêu huyết học, đáp ứng miễn dịch.

ltnanh
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (15/2016)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->