Ảnh: Sưu tầm.
Cây ớt cay (Capsium annum L.) thuộc họ Cà (Solanaceae), là cây gia vị thân thảo, thân dưới hóa gỗ, có thể sống vài năm, là cây rau quan trọng và được sử dụng phổ biến trên thế giới. Trong ớt chứa các loại vitamin A, C, D, các chất khoáng Ca, Fe, Na, P, S và một số loại axit amin (Thiamin, axit oxalic, riboflamin…), ngoài ra trong ớt còn chứa protein và chất béo (Cannon và cs., 2000). Đặc biệt trong ớt có nhiều chất cay gọi là capsicain (C12H7NO3) hay capsisin, là một ankaloit có vị cay, thơm ngon chiếm 0,34 – 2%. Chất cay này dùng để chế biến thuốc, chữa bệnh, nước hoa, dùng trong y học, quốc phòng.
Ớt là loại rau gia vị có giá trị kinh tế cao, được trồng rộng rãi trên cả nước, trong đó miền Trung và Nam bộ là khu vực sản xuất chính. Trong những năm gần đây nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, các công ty sản xuất các mặt hàng thực phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, có xu hướng tăng lên. Tại Thừa Thiên - Huế, cây ớt là một loại gia vị quan trọng, thích hợp trồng trên các loại đất cát, đất cát pha và đất phù sa. Sản xuất ớt tại địa phương góp phần tăng hiệu quả sử dụng các loại đất, hình thành các chế độ luân canh, xen canh, gối vụ thích hợp, đồng thời tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, tình hình sản xuất ớt ở Thừa Thiên - Huế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các giống ớt hiện trồng chủ yếu vẫn là các giống địa phương (Chìa vôi, Sừng bò và Mọi), chống chịu bệnh và tỷ lệ lẫn tạp cao.
Nghiên cứu nhằm góp phần định hướng sản xuất và đế xuất các giống có triển vọng để áp dụng vào thực tế sản xuất của địa phương. Nghiên cứu này được tiến hành trên 5 dòng ớt cay nhập nội từ Viện Nghiên cứu Nghề vườn và Dược liệu Quốc gia, Hàn quốc (National Institute of Horticultural and Herbal ScienceNIHHS) và 1 giống địa phương (Chìa Vôi) làm đối chứng. Thí nghiệm được bố trí trong vụ hè thu 2014 và xuân hè 2015 tại Trường Đại học Nông Lâm-Đại học Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các dòng ớt cay đều thuộc nhóm ngắn ngày có thời gian sinh trưởng 110 - 120 ngày. Thời gian hoàn thành các giai đoạn sinh trưởng trong vụ hè thu 2014 ngắn hơn so với vụ xuân hè 2015 từ 7 đến 10 ngày. Các dòng YT2 và YT4 có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng kháng sâu bệnh hại khá. Thời vụ thích hợp với các dòng ớt cay nhập nội là vụ xuân hè. Cần thực hiện các nghiên cứu tiếp theo về chế độ canh tác của các dòng triển vọng này để áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
|