Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (20/10/2016) ]
Nghiên cứu bệnh xuất huyết trên cá tầm Nga giống (Acipenser guldenstaedtii) tại Lâm Đồng và đề xuất biện pháp phòng trị
Nghiên cứu do các tác giả: Võ Thế Dũng, Võ Thị Dung – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 thực hiện.

Ảnh: Sưu tầm.

Cá tầm là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn. Cá tầm Nga (Acipenser guldenstaedtii) chỉ phân bố tự nhiên ở một số nước thuộc Châu Âu; tuy nhiên, hiện nay cá tầm Nga đã được nhập nội và nuôi thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, sau khi nuôi thử nghiệm thành công tại Sapa – Lào Cai; năm 2007, cà tầm Nga được nuôi thử nghiệm thành công tại tỉnh Lâm Đồng. Nghề nuôi cá tầm nói chung và cá tầm Nga nói riêng tại Lâm Đồng đã phát triển nhanh với sản lượng khoảng 100 tấn/năm. Hiện nay, nghề nuôi cá tầm đã được tỉnh Lâm Đồng quy hoạch phát triển với quy mô hàng ngàn tấn sản phẩm/năm (Võ Thế Dũng, 2012).

Do cá tầm là đối tượng mới được đưa vào nuôi trong những năm gần đây và đa số cá giống ở Lâm Đồng hiện nay được ương từ nguồn trứng nhập từ nước ngoài nên công tác kiểm dịch để phát hiện mầm bệnh còn nhiều khó khăn. Vì thế, khả năng lây nhiễm bệnh trong quá trình ương nuôi là rất cao. Đặc biệt, bệnh xuất huyết xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến nghề nuôi cá tầm (Võ Thế Dũng và cộng sự, 2012, 2011b); kết quả của các nghiên cứu này cũng cho biết cá giống có thể là một trong những nguồn lây nhiễm bệnh xuất huyết cho cá tầm thương phẩm. Nghiên cứu tìm hiểu một số tác nhân gây bệnh và thử nghiệm biện pháp phòng – trị là vấn đền hết sức cần thiết để thúc đẩy nghề nuôi loài cá này phát triển.

Quá trình nghiên cứu có 98 mẫu cá tầm nga giống (chiều dài trung bình 102,2 ± 40,8 mm) bị xuất huyết được dùng để nghiên cứu thành phần vi khuẩn và nấm và 375 mẫu cá tầm Nga giống (có chiều dài trung bình 103,7 ± 18,4 mm) bị xuất huyết được dùng để nghiên cứu trị bệnh. Các dấu hiệu bệnh lý thường gặp bên ngoài, bao gồm xuất huyết trên thân, các gốc vây, xung quanh miệng và hậu môn, da tối màu, bơi lờ đờ, ăn ít rồi bỏ ăn sau đó chết. Các dấu hiệu bệnh lý bên trong bao gồm gan bị trắng hoặc bầm đen, mềm nhũn, lách bầm, xoang bụng tích dịch. Kết quả phân tích tác nhân đã phân lập được 2 loài nấm là Saprolegnia sp. và Achlya sp., với tỷ lệ nhiễm tương ứng là 14,3 và 22,5% và 3 loài vi khuẩn gồm Aeromonas hydrophila, Pseudomonas luteola và Plesiomonas shigelloides với tỷ lệ nhiễm tương ứng là 86,7, 28,6 và 16,3%. Kết quả nghiên cứu trị bệnh cho thấy, dùng Xiprofloxaxin nồng độ 0,5 g/kg thức ăn trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5 ngày có hiệu quả trị bệnh xuất huyết.

lntrang
Theo TC Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Kỳ 1 – Tháng 3/2016
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->