Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (17/10/2016) ]
|
Ảnh hưởng của một số yếu tố lên sự cảm ứng rễ tơ cây dừa cạn (Catharanthus roseus) của chủng Agrobacterium rhizogenes C26
|
|
Cây dừa cạn (Catharanthus roseus) là một trong những cây hoa cảnh đa dạng về màu sắc và hình thái. Chúng có thể được trồng rộng rãi ở nhiều điều kiện khác nhau, dễ chăm sóc và thời gian cho hoa dài nên rất được ưa chuộng dùng trong trang hoàng nhà cửa và các công trình công cộng.
|
Cây dừa cạn
Xu hướng tạo giống cây hoa cảnh mới, bao gồm cả cây dừa cạn, thông qua rễ tơ đang được xem là hướng nghiên cứu tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao. Do đó, trong nghiên cứu này, các điều kiện cảm ứng tạo rễ được các nhà khoa học ĐH KHTN Tp.HCM khảo sát nhằm góp phần hoàn thiện quy trình thu nhận rễ tơ từ cây dừa cạn để phục vụ cho nghiên cứu tạo giống cây dừa cạn mới sau này.
Tái sinh cây từ nuôi cấy rễ tơ qua quá trình biến nạp bằng Agrobacterium rhizogenes đã được thực hiện trên nhiều giống cây trồng. Những cây trồng chuyển gen này thường mang các kiểu hình đặc trưng khác biệt với các cây bình thường khác. Vì vậy, các nhà khoa học đã nghiên cứu sản xuất rễ cây chuyển gen nhằm tạo ra các giống cây hoa cảnh mới. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của một số yếu tố như mật số tế bào trong huyền phù vi khuẩn, thời gian gây nhiễm, thời gian ủ cảm ứng, cường độ chiếu sáng và môi trường nuôi cấy lên quá trình biến nạp di truyền nhờ vi khuẩn A. rhizogenes C26 trên cây dừa cạn Catharanthus roseus VIN077 đã được khảo sát. Kết quả đã cho thấy mật số tế bào, thời gian gây nhiễm, thời gian ủ cảm ứng và môi trường nuôi cấy là các yếu tố quan trọng có thể kích thích sự hình thành rễ tơ ở các điều kiện thích hợp. Lá dừa cạn ngâm trong huyền phù vi khuẩn có chỉ số OD600 nm 0,2 trong 10 phút và ủ cảm ứng trên môi trường 1/2 White ở điều kiện tối trong 6 ngày cho hiệu quả hình thành rễ tơ cao nhất. Việc chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang có tác động ức chế sự hình thành rễ tơ ở giai đoạn ủ cảm ứng nhưng lại có thể thúc đẩy quá trình này khi áp dụng ở bước loại bỏ vi khuẩn. Các dòng rễ tơ chuyển gen đã được kiểm chứng nhờ kỹ thuật PCR với cặp mồi chuyên rolB. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (số 44-2016) |