Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Diện tích NTTS không ngừng gia tăng theo thời gian, tổng diện tích nuôi thủy sản ở ĐBSCL năm 2012 là 734,1 nghìn ha tăng lên 753,5 nghìn ha vào năm 2013 (Tổng cục Thống kê, 2014). Tôm sú là đối tượng được chọn nuôi phổ biến ở khu vực ven biển. Tổng sản lượng tôm nuôi ở ĐBSCL đạt 537.822 tấn vào năm 2012 và 441.254 tấn vào năm 2013 (Tổng cục Thống kê, 2014). Các mô hình nuôi tôm sú phổ biến ở ĐBSCL là mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh, tôm – lúa, tôm – rừng. Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến được xem là mô hình phù hợp với khả năng đầu tư có giới hạn về mặt kỹ thuật và tài chánh của nông hộ, khả năng rủi ro thấp (Nguyễn Thanh Phương và ctv., 2014). Tuy nhiên, hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) nơi đây vì theo IPCC (2007) ĐBSCL là một trong những đồng bằng chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng BĐKH.
Nghiên cứu nhằm đánh giá nhận thức, ảnh hưởng và giải pháp của người nuôi tôm trong mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến do tác động của thời tiết thay đổi thông qua việc phỏng vấn trực tiếp 94 hộ nuôi tôm sú quảng canh cải tiến tại tỉnh Sóc Trăng (30 hộ), Bạc Liêu (31 hộ) và Cà Mau (33 hộ). Các thông tin được thu thập: bao gồm hiệu quả sản xuất, các giải pháp ứng phó của người nuôi trong thời gian qua và thời gian tới do sự thay đổi của các yếu tố như mưa nắng, nhiệt độ, độ mặn, mực nước thủy triều. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất tôm nuôi trung bình là 0,47 tấn/ha/năm, lợi nhuận trung bình 21,3 triệu đ/ha/năm với tỷ lệ thua lỗ trung bình 23,4%. Phần lớn nông dân (92 - 99%) nhận thức được sự biến đổi và tác động của các yếu tố thời tiết trong thời gian qua và thời gian tới. Giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng thuốc, hóa chất, quản lý môi trường được người nuôi lựa chọn (70 – 90%) để giải quyết các vấn đề khó khăn nhiều hơn so với các giải pháp khác. |