Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (10/10/2016) ]
Ảnh hưởng của nguyên liệu làm đệm lót và men Balasa n01 lên sinh trưởng và môi trường chuồng nuôi gà Tàu vàng giai đoạn từ 5 đến 12 tuần tuổi
Gà Tàu vàng là giống gà thích nghi tốt với điều kiện môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long, dễ nuôi, nhanh nhẹn, khả năng tự kiếm mồi trong vườn tốt, màu sắc và chất lượng thịt hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Ảnh minh họa

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế thì vệ sinh môi trường cũng là vấn đề cần được quan tâm. Nếu các chất thải phát sinh không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia cầm và người chăn nuôi. Hiện nay, có rất nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường của các loại chất thải. Nuôi gia cầm bằng đệm lót sinh học đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để tăng năng suất, góp phần bảo vệ môi trường.

Nguyên liệu sử dụng làm lớp đệm lót chuồng trong chăn nuôi gia cầm cần phải có tính hút ẩm tốt và tính đóng vón kém để đảm bảo độ tơi xốp. Thêm vào đó, các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng có thể sử dụng hỗn hợp các nguyên liệu gồm mùn cưa và trấu hoặc dăm bào với tỷ lệ thích hợp để làm đệm lót.

Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm này chủ yếu tập trung ở xây dựng mô hình và chưa có những số liệu khoa học cụ thể trong việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà thịt. Vì vậy, việc đánh giá ảnh hưởng của các loại nguyên liệu khác nhau dùng làm đệm lót sinh học lên khả năng sinh trưởng của gà Tàu vàng giai đoạn từ 5 đến 12 tuần tuổi là điều cần thiết và đó cũng là mục đích của nghiên cứu này.

Thí nghiệm được các nhà khoa học ĐH Cần Thơ bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 5 nghiệm thức (NT): NT Đối chứng (ĐC): (100% trấu + không men vi sinh); NT trấu-VS (100% trấu + chế phẩm Balasa N01); NT BM-VS (100% bã mía + chế phẩm Balasa N01); NT TBM-VS (50% bã mía + 50% trấu + chế phẩm Balasa N01); NT TMC-VS (50% mùn cưa + 50% trấu + chế phẩm Balasa N01) và bốn lần lặp lại trên 400 gà Tàu vàng. Các chỉ tiêu theo dõi gồm tiêu tốn thức ăn, khối lượng, tăng trọng, hệ số chuyển hóa thức ăn, tiểu khí hậu chuồng nuôi. Kết quả thí nghiệm được ghi nhận như sau: tăng trọng và khối lượng cuối thí nghiệm của gà ở NT bổ sung men Balasa N01 làm đệm lót cao hơn so với NT ĐC, đặc biệt là NT trấu-VS so với NT ĐC, lần lượt là 18,09 và 1456 so với 16,44 g/con/ngày và 1353 g/con. Trong khi đó, hệ số chuyển hóa thức ăn trung bình của gà ở NT trấu-VS, TBM-VS và TMC-VS thấp hơn NT ĐC (1,94). Tuy nhiên, tiêu tốn thức ăn của gà toàn thí nghiệm không khác biệt giữa các nghiệm thức. Hàm lượng NH3 và CO2 chuồng nuôi cao ở NT ĐC và thấp ở NT bổ sung men vi sinh làm đệm lót, đặc biệt là NT trấu và NT TMC-VS. Khí H2S không phát hiện được ở các lô của thí nghiệm.

ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (số 44-2016)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->