Canh tác cây lúa trong mô hình sinh thái tổng hợp lúa – cá – vịt là một trong các mô hình canh tác theo hướng phát triển bền vững, thông qua hiệu quả giảm sự phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu hại, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đa dạng hóa nguồn thu và tăng thu nhập cho người dân.
Kết quả nghiên cứu tại vùng trồng lúa đầu các trạm bơm, hồ đập lớn, vùng trũng của huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho thấy các mô hình canh tác này không ảnh hưởng tới một số chỉ tiêu sinh trưởng của cây lúa như thời gian sinh trưởng, số lá/thân chính, chiều dài lá đòng, chiều dài bông; các chỉ tiêu khác như chiều cao cây, số dảnh/khóm đều đạt cao hơn rõ rệt so với cùng giống lúa khi sản xuất độc canh (ĐC); mức độ nhiễm các đối tượng sâu bệnh chủ yếu như sâu đục thân, sâu cuốn lá, ốc bươu vàng đều thấp hơn so với công thức ĐC. Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của các giống lúa trồng trong mô hình lúa – cá – vịt đều tăng rõ rệt so ĐC. Trong vụ xuân năng suất thực thu trong mô hình của giống X21 đạt 61,89 đến 62,47 tạ/ha, giống Xi23 đạt 63,01 đến 67,12 tạ/ha so với trồng ĐC giống X21 đạt 57,12 đến 59,07 tạ/ha, giống Xi23 đạt 57,35 đến 61,16 tạ/ha; trong vụ mùa: giống Gia Lộc 102 đạt 57,71 đến 57,83 tạ/ha, giống Hồng Đức 9 đạt 58,44 đến 59,42 tạ/ha so với ĐC giống Gia Lộc 102 đạt 54,07 đến 57,83 tạ/ha, giống Hồng Đức 9 đạt 51,97 đến 52,83 tạ/ha. Phương thức nuôi trồng trong mô hình lúa – cá – vịt tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt so ĐC, lãi thuần đạt 114,63 triệu đồng/ha/năm so với đồng độc canh lúa là 44,72 triệu đồng/ha/năm, tăng 2,56 lần. Các chỉ tiêu MRR và MBCR đều có ý nghĩa (MRR = 116 và MBCR = 2,16).
Qua kết quả nghiên cứu, các tác giả đề nghị có thể nhân rộng mô hình canh tác tổng hợp sinh thái lúa – cá – vịt trên các chân đất trũng thường xuyên bị ngập úng để nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế cho người dân. |