Ảnh: Sưu tầm.
Cây sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm Việt Nam, sâm khu năm (K5), sâm đốt trúc, có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv., họ Araliaceae. Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu phân bố quanh đỉnh núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam trên độ cao 1.200 đến 2.100 m (Viện Dược liệu, 2005).
Nhiều nghiên cứu về hóa học và tác dụng dược lý đã chứng minh sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố và kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể (Nguyễn Thị Thu Hương, 2001; Trần Công Luận, 2001). Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà một số loài sâm khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư (Nguyễn Thượng Dong và cs., 2007). Do sự săn lùng ráo riết của con người và sự suy giảm diện tích rừng tự nhiên, từ chỗ có trữ lượng vài chục tấn trong tự nhiên đến nay sâm Ngọc Linh đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, được đưa vào Danh Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam, trở thành đối tượng được ưu tiên bảo tồn và phát triển (Nguyễn Tiến Bân, 2007; Nguyễn Tập, 2006). Do đó ngoài việc phát triển sâm Ngọc Linh tại vùng “nguyên thủy” của nó thì việc nghiên cứu di thực cây sâm Ngọc Linh sang những vùng có điều kiện sinh thái tương tự núi Ngọc Linh cũng là mục tiêu quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh.
Nghiên cứu về khả năng di thực sâm Ngọc Linh tại một số vùng có điều kiện sinh thái tương tự núi Ngọc Linh bao gồm Lạc Dương – Lâm Đồng, Tam Đảo – Vĩnh Phúc, Sa Pa – Lào Cai đã được thực hiện từ năm 2013 đến 2015. Khả năng thích nghi của sâm Ngọc Linh được đánh giá thông qua kết quả khảo sát điều kiện sinh thái, đặc điểm thổ nhưỡng và các đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây sau hai năm di thực. Sâm Ngọc Linh trồng tại các điểm di thực có chu kỳ mọc và tàn lụi tương tự như sâm trồng tại vùng nguyên sản Tu Mơ Rông – Kon Tum. Tuy nhiên, có sự khác nhau về tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ sống, đặc điểm hình thái, sinh trưởng, kích thước củ và khối lượng củ của cây. Cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất tại Lạc Dương, sau đó đến Tam Đảo và kém nhất tại Sa Pa.
|