Ảnh: Sưu tầm.
Trong khuôn khổ dự án “Quản lý bền vững hệ thống sản xuất cây trồng cơ bản nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp cho vùng canh tác bằng nước trời ở Châu Á” kết quả khảo nghiệm giống đậu tương triển khai tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng từ năm 2012 đến nay đã chọn lọc được giống đâu tương mới NAS-S1 là giống có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.
Tuy nhiên, do đặc điểm là một huyện miền núi nên đậu tương chủ yếu được trồng trên đất nương rẫy, hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, vì vậy ngoài biện pháp kỹ thuật cần thiết như sử dụng giống mới năng suất cao, thời vụ phù hợp thì việc áp dụng biện pháp che phủ, giữ ẩm đất để tăng hiệu quả sử dụng nước là việc làm cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất đậu tương trên vùng đất canh tác nhờ nước trời. Vì vậy đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của vật liệu che phủ, giữ ẩm đất đến sinh trưởng, phát triển của giống đậu tương NAS-S1 đã được thực hiện.
Nghiên cứu được triển khai tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, vụ hè – thu năm 2013 và 2014. Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn toàn, 3 lần lặp lại với 4 công thức thí nghiệm: không che phủ (đ/c), che phủ bằng thân cây ngô, che phủ bằng rơm rạ khô, sử dụng hạt polime giữ ẩm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng rơm rạ khô đạt số quả chắc/cây, tỷ lệ quả 3 hạt, khối lượng 1000 hạt cao nhất (tương ứng 31,5 quả/cây, 30,1% tỷ lệ quả 3 hạt, 229,1 g/1000 hạt). Do có các yếu tố cấu thành năng suất cao nên năng suất của giống NAS-S1 ở công thức che phủ rơm rạ khô cao nhất 2,9 tấn /ha và tăng 20,9% so với đ/c. Lợi nhuận cao nhất thu được 36.367.000 đ/ha, cao hơn đối chứng là 9.900.000 đ/ha. |