Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (16/08/2016) ]
Ảnh hưởng của chu kỳ và quy cách cắt đến sinh trưởng và năng suất lá giống chùm ngây (Moringa oleifera L.) làm rau tại Đồng Nai
Nghiên cứu do các tác giả Mai Hải Châu (Cơ sở 2 Trường Đại học Lâm nghiệp) và Võ Thái Dân (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Ảnh: Sưu tầm

Chùm ngây (Moringa oleifera L.) là loài cây thuộc chi Moringa và họ Moringaceae, hiện được hơn 80 quốc gia trên thế giới sử dụng rộng rãi trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát, dinh dưỡng và thực phẩm chức năng. Các quốc gia đang phát triển sử dụng Chùm ngây như dược liệu kỳ diệu chữa bệnh hiểm nghèo (Fahey, 2005). Lá Chùm ngây rất giàu dinh dưỡng, hiện được WHO và FAO xem như giải pháp ưu việt cho các bà mẹ thiếu sữa và trẻ em suy dinh dưỡng và là giải pháp lương thực cho thế giới thứ ba (Fuglie, 1999).

Ở Việt Nam, Chùm ngây mọc tự nhiên tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Kiên Giang… Do cây Chùm ngây có giá trị cao về mặt dinh dưỡng và dược liệu nên trong những năm vừa qua phong trào trồng Chùm ngây với mục đích lấy hạt, sản xuất bột dinh dưỡng, nguyên liệu sản xuất mì gói, làm rau xanh đã phát triển ở nhiều tỉnh/thành trong cả nước. Tuy nhiên quy trình trồng trọt áp dụng để sản xuất Chùm ngây chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm dân gian, trồng với mật độ thưa, không cắt cành hoặc cắt ở độ cao 1 – 1,5 m, thu hoạch bằng bẻ lá nên năng suất lá thu được thấp, chất lượng lá không cao.

Các nghiên cứu về kỹ thuật cắt cành đã được Price (2000), L. H. Manh (2005), Fadiyimu (2011), Nguyễn Đặng Toàn Chương (2011), Nouman (2012) thực hiện và chỉ ra rằng quy cách cắt (thu hoạch) không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây Chùm ngây mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng nguyên liệu lá Chùm ngây. Quy cách cắt và chiều cao cắt thay đổi tùy thuộc vào giống, mật độ trồng, mục tiêu sản xuất, kỹ thuật canh tác và điều kiện khí hậu thời tiết.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định được chu kỳ và quy cách cắt phù hợp đảm bảo cho năng suất cao và phù hợp với sản xuất Chùm ngây làm rau theo hướng hữu cơ tại tỉnh Đồng Nai. Thí nghiệm được thực hiện trên giống Chùm ngây Ninh Thuận. Các công thức thí nghiệm được bố trí theo kiểu chia ô với 3 lần lặp lại. Yếu tố lô chính tương ứng với 3 chu kỳ cắt (30, 35 và 40 ngày) và yếu tố lô phụ là 3 quy cách cắt (chừa 3, 5 và 7 mắt mầm).
Kết quả nghiên cứu đã xác định được chu kỳ cắt và quy cách cắt có ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất giống Chùm ngây Ninh Thuận. Chu kỳ cắt 40 ngày/lần, cắt chừa lại 5 mắt mầm cho năng suất đạt cao nhất.


lntrang
Theo TC Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Kỳ 1 – Tháng 1/2016
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->