Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát và đánh giá những thông tin về hiện trạng kỹ thuật và hiệu quả kinh tế mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2013.
Kết quả khảo sát từ 30 hộ nuôi cho thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu được chuyển từ mô hình nuôi tôm sú, diện tích ao nuôi trung bình là 0,49±0,16 ha/ao và diện tích ao lắng trung bình là 0,3±0,2 ha. Tôm giống có kích cỡ PL10-12 được mua từ nhiều nguồn khác nhau, chất lượng được đánh giá chủ yếu (40% tổng số hộ) bằng cảm quan. Mật độ thả nuôi trung bình là 35,7±13,2 con/m2. Tôm được nuôi bằng thức ăn công nghiệp với hệ số chuyển hóa thức ăn là l,3+0,1. Sau 88,6±2,4 ngày nuôi, tôm đạt 70,2+5,3 con/kg, tỉ lệ sống là 43,5±36,5% và năng suất là 2.618±2.579 kg/ha.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng chi phí của mô hình là 173,5+138,0 triệu đồng/ha/vụ, doanh thu đạt 380,0+377,0 triệu đồng/ha/vụ và lợi nhuận là 206,5±367,5 triệu đồng/ha/vụ với tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu 54%. Tỷ lệ hộ nuôi thua lỗ là 50% (trung bình lỗ 93,6+90,1 triệu đồng/ha/vụ), nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do dịch bệnh xảy ra trong quá trình nuôi. Mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao và được ứng dụng rộng rãi.
Nghiên cứu này cung cấp những thông tin cơ bản làm cơ sở định hướng phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Sóc Trăng trong tương lai. |