Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (24/07/2016) ]
Khả năng kháng khuẩn của tinh dầu màng tang (Litsea cubeba) và kháng sinh khi sử dụng đơn lẻ và kết hợp để điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trịnh Thị Trang, Kim Văn Vạn, và Nguyễn Ngọc Tuấn thuộc Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Nguyễn Hải Vân thuộc Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Nguyễn Thanh Hải thuộc Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; và Samira Sarter thuộc CIRAD UMR-Qualisd, Montpellier – Pháp thực hiện nhằm nghiên cứu khả năng kháng khuẩn của tinh dầu màng tang (TDMT) - kháng sinh khi sử dụng đơn lẻ và khi kết hợp với nhau trên các dòng vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) để tìm ra phương thức, liều lượng sử dụng tối ưu nhất, từ đó hạn chế được việc sử dụng quá nhiều kháng sinh, gây hiện tượng tồn dư ảnh hưởng nặng nề lên môi trường, sức khỏe động vật và cả con người.

Vibrio parahaemolyticus được xác định là chủng vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) đang xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định khả năng kháng khuẩn của tinh dầu màng tang (Litsea cubeba) (TDMT) và 5 loại kháng sinh tetracycline, doxycycline, amoxicillin, florfenicol, rifamycin khi sử dụng đơn lẻ và khi kết hợp với nhau trên 2 chủng vi khuẩn V.parahaemolyticus ND201 và TB81.

Kết quả nghiên cứu cho thấy cả 5 loại kháng sinh và tinh dầu ở nồng độ khác nhau đều cho vòng kháng khuẩn dao động 17 - 90 mm. Giá trị MIC của kháng sinh nằm trong khoảng 8 - 16,7 µg/mL, trong khi đó MIC của tinh dầu biến động 1667 và 1750 µg/mL đối với hai chủng vi khuẩn. TDMT kết hợp với kháng sinh tetracyclin và doxycycline cho giá trị nồng độ ức chế phân đoạn tối thiểu ƩFICmin nằm trong khoảng 0,29 - 0,44. Trong khi đó kết hợp với amoxicillin cho ƩFICmin, nằm trong khoảng 0,5-1 và kết họp với rifamycin, flofenicol cho ƩFICmin > 1. Thử nghiệm thuốc trong điều kiện in-vivo, tỉ lệ tôm chết không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi xử lý tôm bệnh bằng một kháng sinh (tetracyclin hoặc doxycycline) ở nồng độ MIC và xử lý bằng hỗn hợp tinh dầu và kháng sinh ở nồng độ ƩFICmin (≤1/4  MICkháng sinh  và ≤1/4 MICtinh dầu). Như vậy, việc sử dụng kết hợp kháng sinh hoặc tinh dầu với nhau sẽ làm giảm liều lượng sử dụng mà vẫn cho hiệu quả diệt khuẩn tương đương so với việc sử dụng đơn lẻ từng loại.

tttham
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (8/2016)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->