Tháng 5 vừa qua, thông qua kính thiên văn không gian Kepler, Cơ quan hàng không và không gian Mỹ (NASA) công bố đã phát hiện 1.284 hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta.
Mới đây, một nhóm các nhà thiên văn đã xác nhận tìm được thêm 104 hành tinh mới. Bốn hành tinh trong số đó có cấu thành từ đất đá, lớn hơn trái đất từ 20 – 50%, bay gần nhau ở cùng một hệ sao cách trái đất 400 năm ánh sáng. Điều đó khiến các nhà khoa học nghi rằng những nơi đó có thể trở thành nơi lý tưởng để hình thành sự sống. Đặc biệt, các nhà khoa học nhận thấy có hai hành tinh có mức độ bức xạ tương tự như Trái đất.
Phát hiện mới mẻ này được đưa ra dựa trên thông tin thu thập từ kính thiên văn đặt trên không gian Kepler của NASA. Đồng thời, nhóm thiên văn cũng kết hợp dữ liệu từ các kính thiên văn mặt đất, bao gồm kính thiên văn ở Mauna Kea, Hawaii và bắc Gemini.
Kính thiên văn vũ trụ Kepler là một phần Chương trình Khám phá của NASA. Với chi phí 600 triệu USD, Kepler được cho là sứ mệnh giá rẻ nhưng hiệu quả nó mang lại hết sức kinh ngạc.
Kepler được đưa lên vũ trụ vào năm 2009 với sứ mệnh tìm kiếm sự sống ở các hành tinh có cùng kích thước hay cấu tạo với Trái Đất. Năm 2013, 2 trong 4 bánh răng định hướng của kính thiên văn này đã bị hỏng, buộc các nhà khoa học của NASA phải sửa đổi một phần sứ mệnh săn lùng sự sống ngoài không gian của Kepler.
Tháng 1/2015, kính thiên văn này đảm trách nhiệm vụ theo dõi và quan sát 1.013 hành tinh mà nó tìm thấy trong 440 hệ sao. Ngoài ra, nó cũng duy trì quan sát 3.199 vật thể tình nghi là các hành tinh nhưng chưa được xác nhận. |