Cống lộ thiên có cửa van đóng mở tự động theo thủy triều là hạng mục chính, quan trọng trong hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có nhiệm vụ điều tiết dòng chảy, ngăn mặn, xả lũ và trữ ngọt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và môi trường nói riêng (cống tự động ở ĐBSCL).
Cống tự động ở ĐBSCL có cấu tạo khác với cống đồng bằng, sự khác biệt đó đã được các nhà khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 2 và tác giả... nghiên cứu thay đổi về hình thức cấu tạo của ngưỡng cống, kết cấu nối tiếp hạ lưu (sân sau thứ 2 + hố phòng xói) cho phù hợp với đặc điểm tự nhiên và chế độ thủy văn thủy lực vùng ĐBSCL.
Trong thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới... những thách thức đặt ra đối với cống tự động vùng triều ĐBSCL là:
- Yêu cầu từ thực tiễn đòi hỏi phải đa dạng hóa loại hình cống, đặc biệt cống có quy mô khoang cống lớn (20 m - 40 m/khoang cửa), ngưỡng cống đặt ở cao trình thấp tương ứng với đáy sông rạch lớn trong vùng, sao cho phù hợp với yêu cầu của từng vùng, có giá thành hợp lý và phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
- Hình thành cấu tạo kết cấu cống và cửa van ... vừa phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chống xói hạ lưu tốt và đồng thời phải đáp ứng được với quy trình vận hành hệ thống thủy lợi và tiến tới tự động hóa trong vận hành theo yêu cầu sản xuất.
- Thực tế ở ĐBSCL có khá nhiều cống cửa van tự động đóng hay mở theo thủy triều đã xây dựng ở thời gian trước (chưa xét đến biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành...) cần có nghiên cứu về cửa van, về khoang cống... sao cho chúng đóng mở linh hoạt hơn, chủ động hơn, nâng cao hiệu quả của cống, đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra. |