Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (16/07/2016) ]
|
Nghiên cứu ảnh hưởng của chế phẩm nấm rễ cộng sinh Arbuscular Mycorriza Fungi (AMF) đến sinh trưởng, phát triển cây đinh lăng tại Gia Lâm – Hà Nội
|
|
Nghiên cứu do các tác giả Ninh Thị Phíp và Nguyễn Thị Thanh Hải thuộc Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm xác định rõ hơn vai trò của AMF đối với khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu sâu bệnh trên cây đinh lăng một năm tuổi.
|
Cây đinh lăng (Polyscias fruticos L.) là một cây thuốc quý thuộc họ nhân sâm (Araliaceae). Hai hợp chất chính quan trọng có trong cây đinh lăng là polyaxelyten và saponin, các hợp chất này có nhiều ở rễ và lá. Đặc biệt các hợp chất saponin trong cây đinh lăng tương tự như trong nhân sâm, saponin tritecpinen có tác dụng chống oxy hóa và stress rất tốt. Do vậy, rễ củ đinh lăng có thể được thay thế cho nhân sâm như là một nguyên liệu dễ tìm ở Việt Nam. Theo phân loại của Phạm Hoàng Hộ (2003), loài đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa L. Harms) là loài được sử dụng rộng rãi làm thuốc tăng cường sức khỏe và hoạt huyết dưỡng não từ rất lâu đời.
Nấm rễ cộng sinh (AMF) có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng sinh trưởng và năng suất của nhiều loại cây trồng, vì AMF có đặc điểm là cộng sinh với cây trồng thông qua bộ rễ, nó đóng vai trò như rễ cây và tham gia hỗ trợ phát triển bộ rễ.
Nghiên cứu được tiến hành trên cây đinh lăng lá nhỏ một năm tuổi (Polyscias fruticosa L. Harms) với lượng bón AMF từ 0 đến 8 g/bầu. Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ với 3 lần nhắc lại.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng chế phẩm AMF có ảnh hưởng tốt đến hầu hết các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của cây đinh lăng. Sử dụng lượng bón 8 g AMF/bầu giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất (Diện tích lá 16,21 dm2/cây, chỉ số SPAD 49,72, khả năng tích lũy chất khô 3,6 g/cây), cũng như khả năng vận chuyển dinh dưỡng về rễ (22,33 rễ/cây) và tỷ lệ rễ/cây đạt 31,66%, cao hơn hẳn các công thức khác ở độ tin cậy 95%.
Sự sai khác về chỉ tiêu sinh trưởng giữa CT4 (bón 6 g AMF/bầu) và CT5 (bón 8 g AMF/bầu) không có ý nghĩa thống kê. Chưa nhận thấy sự khác biệt về khả năng chống chịu sâu bệnh hại trên cây đinh lăng tại các mức bón chế phẩm AMF. Ở các mức bón từ 0 – 8 g AMF/bầu cây không bị sâu bệnh hại tấn công. |
ltnanh
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (8/2016) |