Bưởi là cây ăn quả đặc sản được trồng phổ biến trên khắp ba miền với hơn 100 giống, trong đó có nhiều giống đặc sản như: bưởi Diễn, Năm Roi, Da Xanh, Phúc Trạch,… Tuy nhiên phát triển cây bưởi và nhiều loại cây ăn quả có múi khác ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do chưa có bộ giống tốt, kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, cây bưởi và cây có múi khác thường bị nhiều loại bệnh khó phòng trị như bệnh tàn lụi (tristeza), bệnh vàng lá (greening) làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, phẩm chất quả. Do vậy, cần thiết phải tạo các giống cây có múi có khả năng kháng sâu bệnh. Trong các phương pháp tạo giống, kỹ thuật tạo giống kháng bệnh bằng chuyển gien, nhất là tạo các giống kháng các loại bệnh mà hiện tại chưa có các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Nghiên cứu khả năng tiếp nhận gien gus và gien bar được tiến hành ở năm giống bưởi: Diễn, Năm Roi, Phúc Trạch, Đoan Hùng, Da Xanh bằng phương pháp biến nạp gien thông qua Agrobacterium tumefaciens. Vật liệu nuôi cấy từ phôi hạt chín được nuôi trên môi trường nảy mầm, sau 14 ngày mẫu thân mầm được cắt thành từng đoạn có kích thước 0,7 - 1,0 cm, cắt vát hai đầu. Mẫu sau gây tổn thương được lây nhiễm với A.tumefaciens mang vector pCambia 3301 chứa gien chỉ thị gus và gien bar. Quá trình lây nhiễm có sự hỗ trợ của siêu âm 20 giây, hút chân không 30 giây và ngâm 30 phút đã cải thiện khả năng tiếp nhận gien của một số giống bưởi nghiên cứu.
Kết quả tiếp nhận gien gus thu được tỷ lệ mẫu gus+ dao động từ 34% đến 76% và mức độ biểu hiện từ thấp (+) đến cao (+++), ở bưởi Da Xanh tỷ lệ gus+ đạt mức cao 76%, mức độ biểu hiện tốt (+++). Chồi chuyển gien tái sinh chọn lọc trên môi trường bổ sung PPT 5,0 mg/l và 2,0 mg/l và tỷ lệ mẫu sống sau chọn lọc từ 0,4% đến 2,5%. Kết quả PCR kiểm tra sự có mặt của gien bar cho thấy cây T0 (B1 và B2) mang gien bar, kích thước 408bp. |