Hình ảnh Proales similis thí nghiệm. Ảnh: Sưu tầm
Proales similis là dòng luân trùng có kích thước nhỏ nhất trong các dòng luân trùng đã phát hiện. P. similis có chiều dài 83 µm và chiều rộng 40 µm, nhỏ hơn 38% so với kích thước loài Brachionus rotundiformis (Hagiwara et al., 1995; Wullur et al., 2009). Do vậy, P. similis phù hợp với ấu trùng cá có cỡ miệng nhỏ như cá song, cá giò, cá hồng. Thành phần dinh dưỡng của P. similis phù hợp với ấu trùng cá giai đoạn 10 ngày đầu tiên sau nở, làm tăng tỷ lệ sống và sinh trưởng cho ấu trùng cá biển, đặc biệt là ấu trùng cá song Epinephelus septemfasciatus (Okumura, 1997). Để đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn tươi sống cho sản xuất giống các loài cá biển có giá trị kinh tế cao như cá Song, cá Giò, cá Hồng, P. similis được nhập về Việt Nam 2010 và được thử nghiệm nghiên cứu về khả năng tăng sinh khối cung cấp cho ấu trùng cá. Tuy nhiên , chưa có những nghiên cứu về việc lưu giữ dòng luân trùng này.
Ở Việt Nam lưu giữ luân trùng được thực hiện chủ yếu trong các viện nghiên cứu thủy sản và một số trường đại học. Việc lưu giữ luân trùng được tiến hành theo hai phương pháp: lưu giữ quần đàn và lưu giữ bằng trứng nghỉ.
Lưu giữ luân trùng bằng phương pháp lai tạo trứng nghỉ là phương pháp giữ giống mà không gây ra hiện tượng thoái hóa giống như phương pháp lưu giữ bằng quần thể do trứng nghỉ được sinh ra từ sinh sản hữu tính. Do đó nguồn gien được cải thiện nhờ giao phối. Mặt khác, trứng nghỉ được bảo quản ở trạng thái tiềm sinh nên không tốn chi phí chăm sóc, thức ăn và không gian lưu giữ so với phương pháp lưu giữ quần thể.
Sự hình thành trứng nghỉ của dòng luân trùng Proales similis chịu sự tác động nhiều nhất của ba yếu tố: thức ăn, độ mặn và nhiệt độ. Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của ba phương pháp: giảm thức ăn, sốc độ mặn và nhiệt độ lên sự hình thành trứng nghỉ và sự khôi phục quần thể P. similis.
Các thí nghiệm được tiến hành trong 11 bình thủy tnh có thể tích 100 ml. Thí nghiệm giảm thức ăn, thức ăn được giảm 2 ngày/lần xuống 70%, 50%, 30%, 10%. Thí nghiệm sốc độ mặn, độ mặn được tăng ngay từ 22‰ lên 32‰, sau đó lại giảm dần (2‰) sau 2 ngày/lần. Thí nghiệm sốc nhiệt, nhiệt độ được hạ nhanh xuống 18ºC, sau đó tăng dần (2ºC) sau 2 ngày/lần.
Kết quả cho thấy, phương pháp giảm thức ăn thu được trứng nghỉ sau 7 ngày, nhanh hơn 1 ngày so với phương pháp sốc nhiệt và 2 ngày so với phương pháp sốc độ mặn. Trứng nghỉ từ mỗi thí nghiệm được thu hoạch và bảo quản trong tủ bảo quản (8ºC). Sau 7 ngày bảo quản trứng nghỉ được ấp cho nở để đánh giá khả năng khôi phục quần thể. Trứng nghỉ thu được bằng phương pháp giảm thức ăn nở sớm nhất (sau 3 ngày) và có tỷ lệ nở thành công cao nhất 82%. Thí nghiệm sốc độ mặn, trứng nở sau 5 ngày với tỷ lệ thành công 45% và thí nghiệm sốc nhiệt độ khi trứng nở sau 6 ngày đạt tỉ lệ nở thành công 18%. Do đó, phương pháp tạo trứng nghỉ bằng phương pháp giảm thức ăn nên được áp dụng trong lưu giữ giống của P. similis. |