Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (07/06/2016) ]
Khảo sát sự hiện diện gen ctx-m, tem và shv ở Escherichia coli sinh β-lactamase phổ rộng phân lập từ gà ở tỉnh Trà Vinh
Hiện nay, một vấn đề đang được quan tâm là bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram âm sinh β-lactamase phổ rộng (Extended-spectrum β-lactamase: ESBL). Các ESBL có khả năng ly giải các kháng sinh nhóm β-lactam gây khó khăn cho việc chọn lựa kháng sinh trong điều trị.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy rằng việc tạo ra β-lactamase phổ rộng là nguyên nhân chủ yếu gây gia tăng đề kháng kháng sinh ở những vi khuẩn gram âm, đặc biệt là E. coli và một số vi khuẩn thuộc họ vi khuẩn đường ruột Enterobacteriacae.

Ở Việt Nam, tình hình vi khuẩn E. coli đề kháng kháng sinh do sinh β-lactamase phổ rộng đã được nghiên cứu nhiều trên người, nhưng trên gà vẫn còn rất hạn chế. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu xác định sự hiện diện của E. coli sinh ESBL trên gà ở một số hộ chăn nuôi gà tại tỉnh Trà Vinh và xác định sự hiện diện gen CTX-M, TEM và SHV mã hóa β-lactamase phổ rộng.

Nghiên cứu được các nhà khoa học ĐH Cần Thơ thực hiện để khảo sát sự hiện diện của gen bla CTX-M, bla TEM và bla SHV ở vi khuẩn E. coli mã hóa β-lactamase phổ rộng ESBL và kiểm tra tính nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh. E. coli sinh ESBL được phân lập từ gan, thịt, phổi và phân của 110 con gà xuất thịt từ các hộ chăn nuôi gà ở tỉnh Trà Vinh bằng phương pháp đĩa kết hợp (CLSI, 2014). Kết quả có 65,45% (72/110) gà khảo sát dương tính với E. coli sinh ESBL. Trong đó, tỷ lệ hiện diện của E. coli sinh ESBL trên mẫu phân là cao nhất (65,45%), kế đến là mẫu phổi (13,63%), thấp nhất là mẫu thịt (2,72%) và không phát hiện E. coli sinh ESBL trên mẫu gan. 231 chủng E. coli sinh ESBL được chọn để kiểm tra tính nhạy cảm đối với 13 loại kháng sinh bằng phương pháp khuếch tán trên thạch. Kết quả cho thấy các chủng của E. coli sinh ESBL đề kháng cao với ampicillin (96,10%), cefaclor và trimethoprim + sulfamethoxazole (93,94%), cefuroxime (90,91%), streptomycin (85,28%), gentamicin (70,13%). Tuy nhiên, các chủng vi khuẩn này còn nhạy cảm đối với fosfomycin (91,77%), norfloxacin (74,03%) và ofloxacin (71,43%). 30 chủng đa kháng được chọn để xác định các gen CTX-M, TEM và SHV mã hóa β-lactamase phổ rộng bằng phương pháp PCR. Kết quả gen CTX-M và TEM hiện diện phổ biến trong các chủng vi khuẩn được kiểm tra (lần lượt là 93,33% và 90%). Gen SHV hiện diện với tỷ lệ thấp 16,66%. Đây là những kết quả đầu tiên về E. coli sinh ESBL phân lập từ gà tại tỉnh Trà Vinh.

ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (số 42-2016)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->