Sinh vật [ Đăng ngày (28/05/2016) ]
Những 'kẻ ngụy trang' siêu đẳng
Bằng các biện pháp “tàng hình” như thay đổi màu da, bắt chước, ẩn mình vào thân cây, lá cây... một số loài động vật đã tự bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm luôn rình rập trong thế giới hoang dã.

1. Sâu bướm Nam tước

Sâu bướm Nam tước (tên khoa học là Euthalia aconthea Gurda) có nguồn gốc ở Ấn Độ và Đông Nam Á . Loài sâu bướm này khi nở ra có chiều dài 4mm với những chiếc gai khá nhỏ nhưng khi trưởng thành thì có thể đạt tới 45mm và gai của chúng cũng dài hơn. 

Nhờ sự tương đồng đến khó tin giữa màu xanh của lá cây và sâu bướm mà loài động vật này gần như trở nên “tàng hình” ngay trên lá. Việc ngụy trang này giúp cho chúng có thể lẩn tránh kẻ thù cho đến khi hoàn toàn trưởng thành.

2. Cá mũ Merlet

Cá mũ Merlet có vẻ ngoài rất giống san hô. Chúng thường sống gần bờ biển thuộc đảo Lifou, New Calendonia, Pháp. Tên gọi của chúng bắt nguồn từ chính hình dạng bất thường của loài cá này, với một lượng lớn các xúc tu và làn da mỏng, màu sắc huyền ảo, mềm mại uyển chuyển như ren. 

 

Chúng sử dụng tất cả những đặc điểm cơ thể mình để hòa vào những rặng san hô, chờ thời cơ và săn mồi. Cá mũ Merlet có thể đứng im trong nhiều giờ đồng hồ, chờ cơ hội đến và hít con mồi vào chiếc miệng khổng lồ của mình.

3. Tắc kè đuôi lá

Tắc kè đuôi lá có tên khoa học Uroplatus phantasticus. Đây là một loài tắc kè bản xứ của đảo Madagascar. Đúng như tên gọi, tắc kè đuôi lá không sở hữu ngoại hình đẹp và bắt mắt. Trái lại, chúng lại trông rất kinh dị với ánh mắt sắc, cặp sừng nhỏ và khuôn mặt đầy sát khí. Mỗi con tắc kè đuôi lá trưởng thành có chiều dài thân từ 6,5 cho tới 15cm, bao gồm cả đuôi. Màu sắc cơ thể của chúng cũng biến đổi theo nhiều màu từ be, ghi và nâu...Chúng có thể ăn mọi thứ nhưng chủ yếu vẫn là dế, ruồi, nhện, gián hay ốc sên.

 

Tắc kè đuôi lá chỉ xuất hiện vào ban đêm. Chúng dành cả ngày treo mình bất động trên những nhánh cây hoặc chui rúc bên cạnh những tán lá khô. Đây là cách chúng ngụy trang để tránh bị những kẻ săn mồi tấn công. Nhờ vậy, chúng được liệt vào danh sách những “bậc thầy” về khả năng ngụy trang.

4. Bọ que

Bọ que là một trong những loài côn trùng kỳ lạ và lý thú nhất từng được con người biết đến. Bọ que có chiều dài từ 11,6mm đến 328mm, cá biệt có loài bọ que “khổng lồ” với chiều dài 55cm- một kỉ lục về chiều dài ở các loài côn trùng. Với hình dáng đặc thù trông giống như một cành cây nhỏ, chúng còn đươc đặt biệt danh là “cây gậy di động”. 

 

Nhờ hình dáng giống y hệt những cành cây này mà bọ que nổi tiếng với khả năng ngụy trang tài tình. Việc cần làm duy nhất của chúng là biến đổi màu sắc tùy theo môi trường. Ví dụ như loài bọ que màu nâu thường sống trên những cành cây khô, trong khi bọ que màu xanh lại sống trên những cành lá màu xanh. Sự ngụy trang hoàn hảo này giúp chúng tránh được sự phát hiện của các loài săn mồi.

5. Cú muỗi mỏ quặp

Cú muỗi mỏ quặp (danh pháp khoa học: Podargidae) là một loài thuộc họ chim được phát hiện ở Ấn Độ và trên khắp miền nam châu Á tới Australia. Chúng làm tổ trên nhánh cây và thường đẻ từ ba quả trứng màu trắng, chim mái ấp vào ban đêm và chim trống ấp ban ngày.

 

Đây là loài vật nổi tiếng với khả năng ngụy trang bằng bộ lông bí ẩn của mình. Thuộc nhóm các loài chim săn mồi về đêm, và vào ban ngày chúng chỉ đứng yên, nhắm mắt, kéo dài cổ và thu gọn bộ lông lại là có thể biến thành những cành cây trông như bị gãy vậy. Phương pháp ngụy trang này giúp chúng có thể tự bảo vệ bản thân, chứ không được dùng với mục đích săn mồi như những loài động vật khác. 

6. Bạch tuộc Indonesia

Bạch tuộc Indonesia là một loài rất hiếm, được phát hiện lần đầu tiên ngoài khơi bờ biển Sulawesi ở Indonesia năm 1998. Điều kì lạ là loài bạch tuộc này không những có khả năng chuyển hoá thành bất kỳ màu sắc nào, mà thậm chí chúng có thể bắt chước động tác của các loài cá khác. Các nhà khoa học đã quan sát tỉ mỉ sự biến đổi chớp nhoáng về màu sắc, hình dạng và cách chuyển động của loài bạch tuộc này. Chỉ trong nháy mắt, kẻ thù đã không hiểu mình đang đứng trước đối thủ nào và... tự động rút lui vì cảnh giác và sợ hãi. 
Đây là lần đầu tiên người ta phát hiện ra một loài vật có khả năng bắt chước bộ dạng dữ tợn của nhiều con vật khác một cách đa dạng như vậy. Trước đó, các nhà khoa học chỉ tìm thấy khả năng thay đổi hình dạng của động vật theo một cách nhất định mà thôi. Những đặc điểm phức tạp của loài này cũng như thế giới động vật đang tồn tại dưới đại dương đến nay vẫn còn nhiều ẩn số đối với các nhà khoa học.

Bùi Mai Loan
Theo www.daidoanket.vn (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->