Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (27/04/2016) ]
|
Sự hiện diện của các integron nhóm 1 ở vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) nuôi thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long
|
|
Trong số các bệnh thường gặp trên cá tra thì bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila và bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra là bệnh xuất hiện phổ biến và gây nhiều thiệt hại.
|
Ảnh minh họa
Việc sử dụng kháng sinh thường xuyên và không đúng liều lượng trong một thời gian dài đã làm phát sinh hiện tượng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn. Hiện nay, ở Việt Nam đã có khá nhiều nghiên cứu về tình hình kháng thuốc kháng sinh của các vi khuẩn gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản, trong đó có vi khuẩn A. hydrophila gây bệnh trên cá tra ở ĐBSCL
Mục tiêu của nghiên cứu này là khảo sát sự hiện diện của các integron nhóm 1 ở vi khuẩn A. hydrophila gây bệnh xuất huyết trên cá tra nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng cộng, đề tài đã phân lập được 40 dòng vi khuẩn A. hydrophila trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2014. Các dòng vi khuẩn được kiểm tra kháng sinh đồ bằng phương pháp đĩa khuếch tán với 15 loại kháng sinh. Kết quả cho thấy 80% các dòng vi khuẩn A. hydrophila thể hiện sự đa kháng thuốc. Ba mươi hai dòng vi khuẩn được chọn để xác định sự hiện diện của integron nhóm 1 bằng kỹ thuật PCR (Polymerase chain reaction). Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ các integron nhóm 1 hiện diện ở vi khuẩn A. hydrophila là 21,9%. Sự hiện diện của các yếu tố di truyền vận động (các integron nhóm 1) ở vi khuẩn A. hydrophila trong nghiên cứu cho thấy khả năng vi khuẩn này có thể truyền gen kháng kháng sinh sang các loài vi khuẩn khác trong môi trường tự nhiên. Vì vậy, việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản nên được quản lý chặt chẽ hơn. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (số 40-2015) |