Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (16/04/2016) ]
|
Ảnh hưởng của nguồn nước đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của ốc bươu đồng (Pila polita) khi ương giống
|
|
Nghiên cứu tìm và sử dụng nguồn nước phù hợp với đặc điểm sinh học của ốc và phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất giống là một trong những hướng nghiên cứu cần được quan tâm nhằm phục vụ việc nuôi được phổ biến hơn.
|
Ảnh minh họa
Nghiên cứu này được Ngô Thị Thu Thảo – ĐH Cần Thơ tiến hành nhằm đánh giá việc sử dụng nguồn nước khác nhau đến tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của ốc trong quá trình ương. Kết quả thực hiện góp phần xây dựng qui trình sản xuất giống ốc bươu đồng đạt hiệu quả cao hơn.
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của nguồn nước sử dụng trong quá trình ương giống đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của ốc bươu đồng (Pila polita). Thí nghiệm gồm có 4 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức với 3 lần lặp lại là: 1). Nước xanh đơn thuần, 2). Nước ao đơn thuần, 3). Nước xanh + cho ăn, 4). Nước ao + cho ăn. Ốc giống được ương trong các bể nhựa xanh (0,5m2) với mật độ 150 con/bể. Sau 35 ngày ương, tỷ lệ sống của ốc ương bằng nước ao + cho ăn (92,0%) tương đương với nước xanh + cho ăn (89,1%) và nước ao đơn thuần (83,1%) nhưng cao (p<0,05) so với nước xanh đơn thuần (52,9%). Chiều cao và khối lượng trung bình của ốc ở nghiệm thức nước ao + cho ăn (12,22 mm và 0,39 g) tương đương với nước xanh + cho ăn (11,11mm và 0,32 g) nhưng cao hơn (p<0,05) so với khi ương trong nước ao (6,74 mm và 0,06 g) hoặc nước xanh đơn thuần (6,07 mm và 0,06g). Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn nước từ ao nuôi cá thích hợp cho quá trình ương ốc giống hơn nước có tảo từ hệ thống nước xanh – cá rô phi. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (số 40-2015) |