Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (16/04/2016) ]
|
Đặc điểm phát triển tuyến sinh dục cá chim đen Parastromateus niger (BLOCH, 1795) phân bố ở vùng biển Sóc Trăng - Cà Mau
|
|
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm cung cấp thêm những thông tin mới về đặc điểm sinh học của đối tượng này làm cơ sở cho việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu quy trình sản xuất giống nhân tạo loài cá này để phát triển đối tượng nuôi vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
|
Ảnh minh họa
Cá chim đen có tên khoa học là Parastromateus niger, đây là loài cá biển có thịt thơm ngon và kích cỡ thương phẩm lớn nên có giá trị kinh tế cao. Đặc điểm phát triển tuyến sinh dục cá chim đen phân bố tại vùng biển Sóc Trăng Cà Mau được nghiên cứu tháng 03 năm 2014 đến tháng 01 năm 2015. Kết quả phân tích cho thấy hệ số điều kiện (CF) của cá trong thời gian nghiên cứu dao động thấp từ tháng 05 đến tháng 09 (0,0272 ± 0,0006). CF cao nhất vào tháng 10 (0,0282 ± 0,0001). Hệ số thành thục (GSI) cao nhất vào tháng 08 (cá cái 4,68%; cá đực 1,29%), GSI thấp nhất vào tháng 04 (cá cái: 1,52%, cá đực: 0,59%). Tỷ lệ thành thục tuyến sinh dục của cá cái và cá đực tăng từ tháng 06 đến tháng 10, cao nhất vào tháng 08 (cá cái: 64%; cá đực: 82%). Điều đó cho thấy mùa vụ sinh sản tự nhiên của cá chim đen phân bố vùng biển Sóc Trăng-Cà Mau từ tháng 06 đến tháng 10, sinh sản tập trung vào tháng 08 trong năm. Sức sinh sản tuyệt đối của cá chim đen dao động từ 21.756 đến 1.784.151 trứng/cá thể. Sức sinh sản tương đối của cá 629 trứng/g cá cái với khối lượng thân dao động từ 237,52 đến 1.491,00 g/cá thể. Mối tương quan thấp đã được tìm thấy giữa sức sinh sản tuyệt đối và khối lượng thân cá (r=0,51).
Đề tài được các nhà khoa học ĐH Cần Thơ thực hiện từ tháng 03 năm 2014 đến tháng 01 năm 2015. Phạm vi khảo sát thuộc vùng biển Sóc Trăng-Cà Mau. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (số 40-2015) |