Ảnh minh họa
Kết quả của các nghiên cứu đã chứng minh được tùy theo loài cá, có sự tương quan giữa kích thước, khối lượng, tỷ lệ các thành phần, độ thuần thục và thành phần hóa học của cá. Vì vậy, tiến hành nghiên cứu mối tương quan này trên nguyên liệu cá điêu hồng đã được các nhà khoa học ĐH Cần Thơ thực hiện.
Nghiên cứu sự thay đổi đặc điểm hình thái, hiệu suất thu hồi (phi lê, lạng da, chỉnh hình) và thành phần hóa học theo sự gia tăng khối lượng của bốn nhóm cá điêu hồng từ 300-400 g, 400-600 g, 600-800 g đến lớn hơn 800 g/con được thực hiện nhằm tìm được cỡ cá thích hợp cho sản phẩm cá phi lê. Kết quả thu nhận cho thấy, kích cỡ, tỷ lệ thành phần (theo khối lượng), hiệu suất thu hồi (phi lê, lạng da, chỉnh hình) và thành phần hóa học cá theo từng nhóm khối lượng có sự khác biệt. Khi tăng trưởng, có sự phát triển đồng đều các kích thước của cá, trong đó chiều dài (chuẩn) gấp 2-2,2 lần chiều rộng, chiều cao thân gấp 2-2,1 chiều dày. Tỷ lệ thịt cá tăng theo sự gia tăng khối lượng và được xem là thành phần chiếm cao nhất. Hiệu suất phi lê của nhóm cá 600-800 g và nhóm lớn hơn 800 g là cao nhất và khác biệt về mặt thống kê với hai nhóm còn lại. Thịt cá điêu hồng có độ ẩm là 76,52-77,83 %, hàm lượng protein là 16,81-18,73 %, lipid là 1,2-1,56 % và tro là 1,13-1,21 %. Tóm lại, nhóm cá có khối lượng 600-800 g là cỡ cá thích hợp cho các sản phẩm cá phi lê. |