Tự nhiên
[ Đăng ngày (18/03/2016) ]
|
Khảo sát sự sinh trưởng của cây tràm (Melaleuca cajuputi) ở các độ dày than bùn vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau
|
|
Lợi ích của rừng tràm đã được biết đến trong việc phòng hộ chắn gió bão, là nơi cư trú của rất nhiều loài động vật hoang dã nhất là các loài bò sát, cá, các loài chim…, rừng tràm có vai trò bảo vệ đất, nước và lưu trữ một lượng lớn cacbon.
|
Ảnh minh họa
Để quản lý rừng tràm đặc biệt là rừng tràm trên đất than bùn, công tác thường được chú trọng là quản lý mực nước trong rừng và xây dựng hệ thống kênh mương để phòng cháy chữa cháy. Việc giữ nước có làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây tràm hay không thì đã có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Riêng độ dày than bùn có ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng của cây tràm thì chưa được nghiên cứu phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu ảnh hưởng của độ dày tầng than bùn đến các chỉ tiêu sinh trưởng của cây tràm được các nhà khoa học ĐH Cần Thơ thực hiện nhằm xác định mối liên hệ giữa độ dày đất than bùn và các chỉ tiêu sinh trưởng của cây tràm ở Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của độ dày than bùn đến các chỉ tiêu sinh trưởng cây tràm ở Vườn quốc gia U Minh Hạ được thực hiện bằng cách khảo sát, đo đếm các chỉ tiêu về sinh trưởng của cây tràm (Melaleuca cajuputi) như mật độ, đường kính, chiều cao trên 4 nghiệm thức (3 mức độ dày than bùn 30 – 50 cm; 50 – 80 cm; 80 – 100 cm và không than bùn), với 12 ô tiêu chuẩn, diện tích mỗi ô tiêu chuẩn là 100 m2 (10m x 10m). Kết quả khảo sát cho thấy độ dày than bùn có ảnh hưởng đến mật độ và tổng sinh khối tươi của rừng tràm. Mật độ cây ở khu vực nghiên cứu thuộc dạng trung bình dao động từ 1003 – 1279 cây/ha và có xu hướng giảm dần khi độ dày than bùn tăng lên. Mật độ giữa tràm trên đất có than bùn và không có than bùn có sự khác biệt ý nghĩa. Mật độ tràm không có sự khác biệt giữa 2 độ dày than bùn 50 - 80 cm và 80 -100 cm nhưng khác biệt với độ dày than bùn 30 – 50 cm. Đường kính trung bình các nghiệm thức có xu hướng tăng khi độ dày than bùn tăng và dao động từ 16.4 cm đến 18.9 cm. Chiều cao vút ngọn của cây có sự khác biệt giữa độ dày than bùn thấp nhất (30 - 50 cm) và độ dày than bùn cao nhất (50 – 80 cm). |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (số 40-2015) |