Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (01/02/2016) ]
|
Đánh giá khả năng loại bỏ chất ô nhiễm ao nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) bằng lục bình (Eichhornia crassipes) trên mô hình đất ngập nước dòng chảy mặt
|
|
Lục bình (E. Crassipes) là thực vật ngập nước sống trôi nổi, phổ biến ở ĐBSCL và được sử dụng xử lý nước thải chăn nuôi. Bên cạnh đó, loài thực vật này có khả năng sống ở điều kiện ngập nước phổ biến ở ĐBSCL.
|
Ảnh minh họa
Sử dụng lục bình trong xử lý nước có nồng độ dinh dưỡng cao đã được ghi nhận hiệu quả trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên, ứng với đặc trưng từng loại nước thải kết hợp với mỗi loại hình đất ngập nước khác nhau có ưu và nhược điểm riêng về cơ chế loại bỏ dinh dưỡng. Do đó, việc triển khai nghiên cứu đề tài “Đánh giả khả năng loại bỏ chất ô nhiễm trong nước thải ao nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) bằng hệ thống đất ngập nước kết hợp lục bình (Eichhornia crassipes)” được các nhà khoa học ĐH Cần Thơ, ĐH Đồng Tháp và Phân viện Thủy sản Minh Hải thực hiện.
Để giảm thiểu các chất ô nhiễm từ nước thải ao nuôi cá tra trước khi đưa ra ngoài môi trường và tìm ra phương pháp xử lý thích hợp, thí nghiệm được bố trí với 4 nghiệm thức: (1) nước thải (đối chứng), (2) nước thải + lục bình, (3) nước thải + lục bình + sục khí, (4)nước thải + lục bình + sục khí + vi sinh, mỗi nghiệm thức có bốn ngăn với 4 lần lặp lại, ngăn có kích thước 63x43x50 cm, với lưu lượng nạp 150L/ngày/hệ thống. Sau khi bố trí thí nghiệm mẫu được thu để đánh giá ở các thời điểm 32, 64 và 96 ngày ở từng ngăn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức lục bình có hàm lượng NNH4+, NO2- và CO2 cao và chưa đạt quy chuẩn ngành sau khi qua 4 ngăn. Các nghiệm thức lục bình + sục khí và nghiệm thức lục bình + sục khí + vi sinh mang lại hiệu suất xử lý cao; các chỉ tiêu N-NH4+, H2S và CO2, đạt quy chuẩn ngành ở ngăn đầu tiên, chỉ tiêu NO2- đạt quy chuẩn ngành sau khi qua 2 ngăn. Điều đó thể hiện rất rõ vai trò của lục bình trong việc loại bỏ chất ô nhiễm nước thải ao nuôi cá tra bằng hệ thống đất ngập nước dòng chảy mặt. Trọng lượng tươi của lục bình sau 96 ngày ở ngăn đầu tiên của nghiệm thức 2 và 4 so với ban đầu tăng tương ứng 21,7; 31 và 26,4 lần. Lục bình chết theo thứ tự tăng dần ở ngăn 2, 3, 4 đối với các nghiệm thức có sục khí. Nghiệm thức 3 có hiệu quả xử lý tốt nhất ở ngăn đầu tiên. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (số MT2015) |