Ảnh: sưu tầm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa cả năm 2012 ước đạt khoảng 7,76 triệu ha, tăng 108.000 ha so với năm 2011, năng suất bình quân ước đạt 56,6 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha. Tuy nhiên, theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, diện tích đất dành cho sản xuất lúa sẽ ngày càng giảm. Như vậy để đảm bảo an ninh lương thực và giữ mức xuất khẩu gạo như hiện nay thì sản lượng lúa cả nước cần được nâng cao. Song đến nay, mục tiêu tăng sản lượng bằng con đường mở rộng diện tích canh tác, tăng số vụ/năm không còn tiềm năng khai thác, giải pháp quan trọng nhất là nâng cao năng suất lúa. Để giải quyết vấn đề này cần sự đầu tư có chiều sâu vào nghiên cứu, đẩy nhanh công tác triển khai và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào thực tế sản xuất.
Đạm (N) là yếu tố vô cùng quan trọng đối với cơ thể sinh vật, vì nó là thành phần của protein, nucleotit, ADN và ARN. Đạm tham gia vào quá trình đồng hóa các bon, kích thích sự phát triển của bộ rễ và việc hấp thu các thành phần dinh dưỡng khác. Cây lúa cần đạm trong suốt quá trình sống, nhất là ở giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng, nên việc bón phân đạm cho lúa là cần thiết nhưng phải bón đủ, bón cân đối, bón hợp lý và đúng cách, nếu không sẽ làm giảm 20 – 50% năng suất (Nguyễn Văn Bộ , 2007).
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, đạm có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy hiệu quả của việc sử dụng phân bón cho cây trồng. Các loại phân khác chỉ phát huy tác dụng khi có đủ đạm hay bón cân đối đạm theo nhu cầu của cây. Vì vậy, xác định sử dụng các loại phân bón khác cần trên cơ sở lượng đạm bón. Nếu chưa tăng được lượng phân đạm bón thì chưa nên tăng các loại phân bón khác. Vì vậy, việc nghiên cứu lượng và dạng đạm bón phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phân bón, tăng năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của liều lượng và dạng phân đạm đến năng suất lúa và hiệu quả kinh tế trên đất phù sa, đề xuất được lượng và dạng phân đạm bón phù hợp cho cây lúa nhằm đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao và cải thiện tính chất đất.
Đối tượng nghiên cứu gồm:
- Đất: đất được tiến hành nghiên cứu trong đề tài là đất phù sa không được bồi chuyên trồng lúa nước. Tính chất của đất trước thí nghiệm như sau: pHKCl 4,01, OC 1,62%, N tổng số 0,060%, P2O5 tổng số 0,030%, K2O tổng số 0,09%.
- Cây trồng: thí nghiệm sử dụng giống lúa Khang Dân 18, giống đang được trồng phổ biến tại địa phương.
- Phân bón: thí nghiệm sử dụng các loại phân bón như sau:
+ Phân hóa học: sử dụng 2 dạng phân đạm bao gồm urê (46% N) và amôn clorua (22% N), lân supe (16,5% P2O5) và KCl (60% K2O);
+ Phân chuồng (phân bò): người dân tự sản xuất theo truyền thống. Tính chất của phân chuồng như sau: C 25%, N tổng số 0,89%, P2O5 tổng số 0,42%, K2O tổng số 0,45%.
Thí nghiệm được tiến hành tại phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong vụ đông xuân và hè thu, năm 2014.
Đề tài áp dụng phương pháp nghiên cứu gồm:
- Công thức thí nghiệm: 8 công thức phân bón;
- Phương pháp bố trí thí nghiệm: bố trí theo kiểu chia ô với 3 lần nhắc lại (liều lượng đạm được bố trí trong ô nhỏ và dạng phân đạm được bố trí trong ô lớn);
- Các chỉ tiêu và phương pháp theo dõi: chỉ tiêu về cây, chỉ tiêu về tính chất hóa học đất, chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế;
- Một số biện pháp kỹ thuật áp dụng: mật độ gieo, kỹ thuật bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
Qua thời gian nghiên cứu, kết quả cho thấy bón 10 tấn phân chuồng + 80 kg N + 60 kg P2O5 + 60 kg K2O + 500 kg vôi/ha đối với dạng đạm urê cho giống lúa Khang Dân trên đất phù sa không được bồi ở phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất, đồng thời cải thiện được một số tính chất hóa học của đất. |