Tự nhiên
[ Đăng ngày (21/01/2016) ]
|
Ảnh hưởng của các phương pháp tiền xử lý sinh học lục bình (Eichhornia crassipes) lên khả năng sinh biogas trong ủ yếm khí theo mẻ có phối trộn phân heo
|
|
Lục bình (Eichhornia crassipes) ở ĐBSCL là một nguồn sinh khối rất lớn nhưng ít có giá trị sử dụng, một số nơi sự phát triển quá mức của lục bình cũng đã gây nên nhiều vấn đề cho thủy vực, cản trở sự lưu thông của phương tiện giao thông thủy.
|
Ảnh minh họa
Nhiều nghiên cứu cho thấy lục bình có thể sử dụng làm nguồn nguyên liệu nạp bổ sung cho quá trình lên men yếm khí để sản xuất khí sinh học.
Nghiên cứu ảnh hưởng của các phương pháp tiền xử lý sinh học lục bình lên khả năng sinh khí biogas trong ủ yếm khí theo mẻ có phối trộn với phân heo đã được các nhà khoa học thuộc ĐH Cần Thơ và Sở TNMT Sóc Trăng triển khai. Nghiên cứu thực hiện với mục tiêu đánh giá các phương pháp tiền xử lý sinh học đơn giản giúp chuyển đổi lục bình thành khí sinh học có thể ứng dụng được trong điều kiện nông hộ. Ngoài ra, nghiên cứu còn đánh giá ảnh hưởng của việc ủ phối trộn lục bình với phân heo lên khả năng sản xuất khí sinh học nhằm duy trì hoạt động ổn định và gia tăng hiệu quả của hầm/túi ủ trong thời gian thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Thí nghiệm được thực hiện theo phương pháp ủ yếm khí theo mẻ trong 60 ngày với các phương pháp tiền xử lý lục bình bằng (i) nước thải biogas, (ii) nước bùn đen, (iii) nước ao, (iv) nước máy và nghiệm thức 100% phân heo. Kết quả nghiên cứu cho thấy lục bình tiền xử lý bằng nước bùn đen giúp quá trình sinh khí diễn ra nhanh hơn và lượng biogas sinh ra hàng ngày cao hơn so với tiền xử lý bằng nước máy, nước thải biogas và nước ao. Ở thời điểm 30 ngày, lượng khí tích dồn của các bình ủ tiền xử lý bằng bùn đen và nước thải biogas cao hơn các nghiệm thức tiền xử lý khác (p<0,05). Lượng khí biogas tích dồn sau 60 ngày không có sự khác biệt giữa các phương pháp tiền xử lý bằng nước bùn đen, nước biogas và nước máy, nhưng cao hơn nước ao và 100% phân heo (p<0,05). Lượng khí biogas sinh ra tập trung vào giai đoạn từ ngày 6 đến ngày 20, chiếm hơn 40% tổng lượng khí. Nồng độ mê-tan trong tuần đầu tiên thấp sau đó tăng dần, giữ ổn định trên 50% và không có sự biến động lớn giữa các phương pháp tiền xử lý. Năng suất sinh khí của các nghiệm thức dao động từ 436 - 723 L.kgVSphân hủy-1. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiền xử lý lục bình bằng nước bùn đen và nước thải từ biogas có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình tạo khí sinh học. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (số MT2015) |