Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (07/01/2016) ]
|
Ảnh hưởng của kỹ thuật ghép đến tỷ lệ sống và sinh trưởng chồi ghép loài dẻ anh (Castanopsis piriformis hickel & A.Camus)
|
|
Ghép là phương pháp nhân giống sinh dưỡng đã được áp dụng rộng rãi đối với các loài cây ăn quả và một số loài cây rừng.
|
Ảnh minh họa
Dẻ anh là loài đa mục đích, hướng tới kinh doanh hạt, vì vậy, nghiên cứu lựa chọn kỹ thuật ghép phù hợp là cần thiết nhằm duy trì tình trạng ưu việt của cây mẹ, góp phần làm cơ sở khoa học cho phát triển cây bản địa đa tác dụng này tại Tây Nguyên.
Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tiến hành 3 thí nghiệm với hai nhân tố ảnh hưởng: loại cành ghép với phương pháp ghép, tuổi cây mẹ lấy cành ghép và thời vụ ghép. Hai loại cành ghép được thử nghiệm là cành non và cành bánh tẻ, chúng được phối hợp với 3 phương pháp ghép, 3 cấp tuổi cây mẹ lấy cành ghép và 3 thời vụ ghép tạo thành 6 công thức trong mỗi thí nghiệm. Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ với 3 lần lặp, mỗi lần lặp thử nghiệm ghép 30 cành. Kết quả thí nghiệm ảnh hưởng của phương pháp và loại cành ghép cho thấy sau 120 ngày ghép phương pháp ghép và loại cành ghép đã ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ sống của chồi ghép, phương pháp ghép cạnh cho tỷ lệ sống cao nhất 67,8%, thấp nhất là 33.3% ở phương pháp ghép mắt. Tỷ lệ sống của chồi ghép còn ảnh hưởng bởi tuổi cây mẹ lấy cành ghép và loại cành ghép, tỷ lệ sống cao nhất là 66,7% khi lấy cành bánh tẻ ở cây mẹ tuổi 5 – 10 (T2C2), thấp nhất đạt 36,7% khi vật liệu ghép là cành non cây mẹ tuổi 15 – 20 (T3C1) . Thời vụ ghép và loại cành ghép ảnh hưởng có ý nghĩa đến tỷ lệ sống của chồi ghép, thời vụ ghép vào đầu vụ thu với cành bánh tẻ cho tỷ lệ sống cao nhất 68,9%. Phương pháp ghép và thời vụ ghép đã ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng chiều cao của chồi ghép, tuổi cây mẹ và loại cành ghép chưa tác động rõ rệt đến chiều cao chồi ghép. |
ntbtra
Theo Tạp chí NN & PTNT (số 19/2015) |