Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (06/12/2015) ]
Ảnh hưởng của điều kiện chiết đến hàm lượng polyphenol và đánh giá hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết từ lá ổi (Psidium guajava L.)
Nghiên cứu do tác giả Hồ Bá Vương – Công ty TNHH MTV Vacxin và Sinh phẩm Nha Trang và các tác giả Nguyễn Xuân Duy, Nguyễn Anh Tuấn – Trường Đại học Nha Trang thực hiện.

Ảnh minh hoạ - lá ổi nguyên liệu dùng trong nghiên cứu

Lá ổi có chứa hàm lượng polyphenol cao và có tiềm năng ứng dụng trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Trong dược học, polyphenol có nhiều tác dụng quý như: Chống lại stress oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do, ngăn ngừa và hạn chế một số bệnh tật liên quan đến tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp, đái tháo đường và ung thư. Polyphenol trong lá ổi có thể bị hư hỏng trong quá trình chiết tách do các yếu tố vật lý và hóa học gây nên. Do đó, điều kiện chiết tách thích hợp cần được thiết lập để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả thu nhận polyphenol. Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về điều kiện chiết tách polyphenol từ lá ổi được công bố ở Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm khảo sát ảnh hưởng của điều kiện chiết đến hàm lượng polyphenol từ lá ổi.

Đề tài áp dụng phương pháp nghiên cứu như: Chuẩn bị dịch chiết thô; xác định ảnh hưởng của giai đoạn trưởng thành đến sự tích lũy polyphenol; xác định ảnh hưởng của điều kiện chiết; xác định hàm lượng polyphenol tổng; xác định hoạt tính chống oxy hóa dựa vào khả năng khử gốc tự do; xác định hoạt tính chống oxy hóa dựa vào tổng năng lực khử.

Qua thời gian nghiên cứu, kết quả cho thấy, quá trình chiết xuất polyphenol từ lá ổi chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố như: Nhiệt độ chiết, thời gian chiết, nồng độ ethanol và tỉ lệ dung môi/nguyên liệu. Nghiên cứu đã xác định được điều kiện chiết thích hợp polyphenol từ lá ổi là: Dung môi chiết ethanol 40%, nhiệt độ 80oC, thời gian 60 phút, tỉ lệ dung môi/nguyên liệu 40/1 (ml/g). Tại điều kiện chiết này, hàm lượng polyphenol thu được là 189,73 mg GAE/g chất khô. Hoạt tính chống oxy hóa (IC50) của dịch chiết thu được ở điều kiện chiết thích hợp được đánh giá dựa vào khả năng khử gốc tự do ABTS và tổng năng lực khử lần lượt là 1,95 và 5,08 µg/ml. Những kết quả đạt được trong nghiên cứu này cho thấy tiềm năng sử dụng lá ổi như một nguồn thu nhận các chất chống oxy hóa có nguồn gốc tự nhiên. Các nghiên cứu tiếp theo nên tập trung vào việc tối ưu hóa điều kiện chiết polyphenol cũng như nhận dạng các thành phần chính đóng vai trò như là những chất chống oxy hóa trong dịch chiết thu được từ lá ổi.

T.H
Theo Tạp chí Dược học - 9/2015 (Số 473 năm 55)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Ung thư biểu mô tuyến giáp dạng nhú xuất phát từ u quái giáp và cách tiếp cận liên chuyên khoa
Ung thư biểu mô tuyến giáp dạng nhú xuất phát từ u quái giáp (PTC) là một thể bệnh lâm sàng cực kỳ hiếm gặp. Biểu hiện lâm sàng, tiêu chuẩn chẩn đoán, phương pháp điều trị còn nhiều điều chưa rõ ràng do sự thiếu hụt về cơ sở dữ liệu. Trần Nhật Huy - Bộ môn Phụ Sản, Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận một ca lâm sàng về thể bệnh này và cho thấy sự hiệu quả của việc phối hợp các chuyên khoa khác nhau nhằm đạt được sự tối ưu trong việc quản lý và điều trị cho bệnh nhân.


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->