Tự nhiên [ Đăng ngày (22/10/2015) ]
Hàm lượng hoạt chất Quinalphos trong đất trên ruộng lúa và trong bùn đáy các sông chính Tỉnh Hậu Giang
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Phan Nhân – Nghiên cứu sinh Môi trường đất và nước; Phạm Văn Toàn, Bùi Thị Nga – Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên.

Kênh xáng Xà No đoạn chạy qua thị xã Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Sưu tầm)

Nhóm lân hữu cơ đang được sử dụng thay thế dần các hoạt chất thuộc nhóm clo hữu cơ bởi vì thời gian bán phân hủy rất ngắn (Kumar, 2010). Tuy nhiên, việc sử dụng với tần suất và nồng độ cao có thể tích lũy dư lượng ngày càng lớn trong môi trường (Rack and Coats, 1990). Guleria et al. (2012) đã phát hiện hàm lượng Quinalphos trong đất canh tác lúa dao động 0,16 – 0,33 mg/Kg. Dư lượng nhóm lân hữu cơ tích lũy trong đất và trầm tích phụ thuộc rất lớn vào điều kiện lý-hóa môi trường như pH, sa cấu đất và hàm lượng hữu cơ trong đất (Isabel et al., 2010).

Nghiên cứu của Guleria et al. (2012) cho thấy đất có hàm lượng hữu cơ và thành phần sét cao thì thời gian bán phân hủy sẽ kéo dài hơn. Mặc dù thời gian bán phân hủy ngắn, nhưng Quinalphos là hoạt chất rất độc, đặc biệt là tác động lên hệ thần kinh ức chế enzym AChE đối với thủy sinh vật (Ahmed et al., 2010; Kumar, 2010; Muttappa et al., 2012) và có khả năng gây biến đổi gien và ung thư (Kazemi et al., 2012). Nghiên cứu của Pradnya et al. (2004) chỉ ra rằng nhóm lân hữu cơ đã đóng góp hơn 36% tổng sản phẩm thuốc trên toàn thế giới.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa trọng điểm chiếm hơn 90% sản lượng nông nghiệp xuất khẩu toàn quốc. Trong những năm gần đây, nông dân vùng ĐBSCL có xu hướng thay đổi thói quen sử dụng thuốc, nhóm clo hữu cơ ít được sử dụng, thay vào đó là lân hữu cơ, Cúc tổng hợp và Conazole (Escalada et al., 2009; Pham Van Toan, 2011; Bùi Thị Nga và ctv., 2014). Hậu Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa chính, chiếm 4,85% sản lượng lúa vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, việc sử dụng và quản lý thuốc BVTV chỉ dựa trên kinh nghiệm với liều lượng cao hơn chỉ dẫn (52,7%) và tần suất là 7-8 lần/vụ (Bùi Thị Nga và ctv., 2013). Đối với lân hữu cơ khi phun chỉ có 1/3 lượng thuốc được cây trồng hấp thụ, phần còn lại sẽ nhiễm vào nguồn nước mặt và khuếch tán ra thủy vực lân cận (Kumar, 2010).

Tỉnh Hậu Giang có 6 sông (rạch) chính là Rạch Mái Dầm, kênh Xà No, sông Cái Lớn, kênh Lái Hiếu, kênh Quản Lộ Phụng Hiệp và sông Nàng Mau, không chỉ dẫn nước vào mạng lưới kênh nội đồng và ruộng lúa phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp mà còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Chương trình quan trắc chất lượng môi trường hàng năm của tỉnh về dư lượng thuốc BVTV chưa được quan tâm. Từ các vấn đề vừa được đề cập, đề tài “Hàm lượng hoạt chất Quinalphos trong đất trên ruộng lúa và trong bùn đáy các sông chính Tỉnh Hậu Giang” đã được thực hiện nhằm đánh giá hàm lượng Quinalphos trong đất và bùn ở các loại hình thủy vực chính trong canh tác lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Tỉnh Hậu Giang là tỉnh thuần nông với diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 82,7% tổng diện tích; canh tác lúa chiếm ưu thế và lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trung bình mỗi năm khoảng 2807 tấn, trong đó hoạt chất Quinalphos thuộc gốc lân hữu cơ được sử dụng khá phổ biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng Quinalphos đã được phát hiện ở tất cả các thủy vực khảo sát với tần suất  phát hiện giảm dần từ ruộng lúa đến kênh nội đồng và sông chính với giá trị là 83,33, 60 và 61,11% tương ứng. Trung bình hàm lượng Quinalphos vụ đông xuân cao hơn vụ thu đông với giá trị là 13,33, 3,26 và 1,97 µg/Kg ở vụ đông xuân và 3,82, 2,54 và 2,50 µg/Kg ở vụ thu đông; tương ứng giảm dần từ ruộng lúa ra kênh nội đồng và sông chính. Giá trị Quinalphos trong đất ruộng và bùn đáy kênh nội đồng ở một số khu vực đã vượt ngưỡng cho phép của QCVN 15:2008 (10 µg/Kg). Hàm lượng Quinalphos phụ thuộc vào hàm lượng chất hữu cơ và tỉ lệ sét trong đất.

lntrang
Theo TC Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Kỳ 1 – Tháng 7/2015
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Lắng nghe bản thân
Nhằm hướng đến một lối sống an bình, tích cực, không lo âu. Sống cho giây phút hiện tại, chậm rãi quan sát và ghi nhận mọi thứ chính là mục tiêu của sống tỉnh thức. Dường như trong cuộc đời mỗi người đều đều sẽ phải trải qua những khoảng thời gian rơi vào guồng quay của công việc: ngày đi làm, tối về việc gia đình, rồi đi ngủ, sáng hôm sau một chu trình như vậy lại được lặp lại. Những lúc như thế nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng ép buộc bản thân mình quá mà hãy để cơ thể và tâm trí bạn có cơ hội để nghỉ ngơi.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->