Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (21/09/2015) ]
Nghiên cứu một số đặc tính ra lộc và biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hiện tượng rụng quả đối với cây cam Canh tại Lục Ngạn, Bắc Giang
Nghiên cứu do các tác giả: Vũ Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thế Huấn, Hoàng Thị Diệp – Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện nhằm nghiên cứu một số đặc tính ra lộc và biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hiện tượng rụng quả đối với cây cam Canh tại Lục Ngạn, Bắc Giang.

Cây cam Canh. (Ảnh: Sưu tầm)

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có tổng diện tích đất tự nhiên là 101.223 ha và 45,6 nghìn hộ dân. Hiện nay toàn huyện có 22 nghìn ha diện tích cây ăn quả. Tỷ trọng ngành trồng trọt chiếm 72,15% cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, trong đó cây ăn quả chiếm 75% trong ngành trồng trọt. Cây cam Canh là một trong cây ăn quả  có giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây các hộ nông dân ở Lục Ngạn đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển một số diện tích vườn tạp sang trồng cam, tính đến năm 2012, diện tích cam Canh lên tới hơn 800 ha, chiếm 60,7% diện tích cây ăn quả có múi trong toàn huyện. Nhiều hộ gia đình đã trồng cam Canh trên diện tích rộng thành quy mô trang trại.

Tuy nhiên, cây cam Canh có đặc điểm ra lộc nhiều, đồng thời mỗi lần phát sinh lộc vào thời kỳ quả non thường gây rụng quả hàng loạt, do vậy xuất phát từ thực tế trên chúng tôi tiến hành đề tài “Ngiên cứu một số đặc tính ra lộc và biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hiện tượng rụng quả đối với cây cam Canh tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang” với mục tiêu xác định đặc điểm nông sinh học của cây cam Canh và biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả cho cây cam Canh. Từ đó đề xuất các phương pháp thích hợp góp phần xây dựng quy trình thâm canh sản xuất của cam Canh tại Lục Ngạn – Bắc Giang.

Đối tượng nghiên cứu là cây cam Canh có độ tuổi trung bình 5 – 7 năm tuổi được trồng tại Lục Ngạn, thời gian nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 10 năm 2014.

Phương pháp nghiên cứu gồm:

- Nghiên cứu một số đặc điểm ra lộc của cam Canh trồng tại huyện Lục Ngạn;

- Nghiên cứu tương quan giữa sự xuất hiện lộc và tỷ lệ rụng quả của cây cam Canh;

- Nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian khoanh cành đến tỷ lệ đậu quả và năng suất.

Cây cam Canh là một trong số các cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Lục Ngạn với diện tích khoảng hơn 800 ha. Mỗi năm cây cam Canh ra 4 đợt lộc, trong đó đợt xuân là nhiều nhất và có khả năng sinh trưởng mạnh nhất trong năm. Tuy nhiên cây cam Canh có đặc điểm là rụng quả sinh lý nhiều, do vậy năng suất giảm. Qua thời gian nghiên cứu, kết quả cho thấy tỷ lệ đậu quả chỉ đạt trung bình 11,5-12,6% tùy thuộc vào tuổi cây. Tổng số lộc (xuất hiện sau thời kỳ hoa tàn) trên cành theo dõi có tương quan chặt với tỷ lệ rụng quả với hệ số tương quan r= 0,86, khoanh cành cho cây vào các thời gian khác nhau làm năng suất tăng 7,78 kg/cây – 23,91 kg/cây, tương ứng với năng suất tăng 30,89-93,87% so với đối chứng, độ tin cậy đạt 95%.

lntrang
Theo TC Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Kỳ 1 – Tháng 7/2015
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->