Cây Bời lời đỏ. (Ảnh: Sưu tầm)
Bời lời đỏ hay còn gọi là bời lời đẹc, kháo thơm, re vàng (Machilus odoratissima Nees) thuộc họ long não (Lauraceae) mọc tự nhiện ở Biên Hòa, Bà Rịa, Phú Quốc, các tỉnh Tây Nguyên và phân bố rãi rác ở các tỉnh từ miền Trung và phía Bắc. Đây là loài cây bản địa đa tác dụng, giá trị cao, được gây trồng và phát triển chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, tập trung ở Gia Lai, Kon Tum và một số ít ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, nơi có điều kiện nhiệt bình quân từ 19-21ºC, lượng mưa hàng năm khoảng 2.000 mm (Phạm Hoàng Hộ, 1999).
Vỏ bời lời chứa tinh dầu thơm, dược liệu, nguyên liệu làm keo dán công nghiệp, sơn và làm nhang. Gỗ bời lời đỏ cứng, ít mối mọt và sử dụng đóng đồ dùng, làm nguyên liệu giấy hoặc làm gỗ củi. Lá có thể làm thức ăn cho gia súc (Lê Văn Minh, 1996; Đỗ Tất Lợi, 2004). Hiện nay, giá bời lời đỏ rất ổn định, khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg vỏ khô. Do vậy được xem là một trong những loài cây trồng lâm nghiệp giảm nghèo bền vững ở các tỉnh Tây Nguyên.
Với giá trị cao và dễ gây trồng cũng như thị trường tiêu thụ ổn định, một số người dân ở huyện Hướng Hóa tự dẫn trồng giống về trồng tại địa phương từ những năm 2000 để thay thế diện tích trồng rừng keo kém hiệu quả. Đặc biệt là các xã vùng sâu như Hướng Lập, Hướng Việt và Hướng Sơn, kinh doanh rừng keo không mang lại hiệu quả, lợi nhuận ròng hằng năm chỉ đạt khoảng 1,6 triệu đồng/ha/năm (Trần Duy Rương, 2011; Nguyễn Tài Phúc, 2012) do chi phí vận chuyển quá cao, đường đèo đi lại khó khăn.
Từ sau năm 2010, nhiều chương trình và dự án của Nhà nước đã quan tâm đầu tư trồng rừng loài bời lời đỏ tại huyện Hướng Hóa. Đánh giá thực trạng gây trồng và hiệu quả kinh tế sẽ góp phần đưa ra minh chứng về sự hiện diện của cây bời lời đỏ và hiệu quả của nó tại khu vực nghiên cứu.Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa loài bời lời đỏ phát triển gây trồng trên diện rộng ở huyện Hướng Hóa và những địa phương có điều kiện tương tự. Góp phần thực hiện chiến lược đa dạng hóa loài cây trồng rừng bản địa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người đồng bào vùng sâu, vùng xa của huyện.
Tính đến năm 2014, toàn huyện Hướng Hóa đã trồng được trên 1.300 ha cây bời lời đỏ, tập trung chủ yếu tại 14 xã. Diện tích trồng bời lời đỏ do người dân tự đầu tư chiếm trên 68,6% tổng diện tích rừng trồng bời lời đỏ của huyện. Nghiên cứu rừng trồng bời lời đỏ 7 năm tuổi cho thấy sinh trưởng đường kính 1,3 m bình quân đạt 8,5 cm, chiều cao vút ngọn 8,92 m, độ dày vỏ khoảng 6,3 mm và đường kính tán đạt 2,19 m. Tỷ lệ phẩm chất cây tốt, trung bình và xấu đạt theo lần lượt 55,8%, 29,1% và 15,2%. Kết quả phân tích hiệu quả kinh tế thể hiện rằng, doanh thu dao động từ 250 triệu đến 315 triệu đồng/ha/7 năm. Lợi nhuận ròng dao động 108 triệu đến 123 triệu đồng/ha/7 năm và bình quân lợi nhuận ròng hàng năm đạt từ 15,4 triệu đến 17,5 triệu đồng/ha/7 năm. Rừng trồng bời lời đỏ ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sinh trưởng tốt mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội rất lớn. Cần xem xét để đánh giá và đưa loài bời lời đỏ vào danh mục loài cây bản địa trồng chính trong các chương trình trồng rừng tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tộc thiểu số sống tại địa phương và đảm bảo an ninh quốc phòng tại vùng biên giới. |