Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (14/09/2015) ]
Hiệu quả của mô hình chà kết hợp rạn nhân tạo nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản ven bờ ở Huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản – Trường ĐH Nha Trang, Viện Hải dương học.

Bãi Rạng, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Sưu tầm)

Huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có 37 km đường bờ biển với nhiều làng cá truyền thống nổi tiếng. Khai thác thủy sản của huyện là một trong những ngành kinh tế mạnh, góp phần quan trọng tạo diện mạo mới cho các địa phương ven biển. Tàu thuyền khai thác hải sản phát triển nhanh với 1.457 phương tiện, sản lượng khai thác tăng nhanh từ 17.000 tấn (năm 2003) đến 34.750 tấn (năm 2013). Tuy nhiên, hiện có 865 chiếc tàu thuyền công suất dưới 20 CV(chiếm gần 60% tổng số tàu của huyện) hoạt động chủ yếu ở vùng nước ven bờ. Nguồn lợi thủy sản đã có sự biến động giảm theo thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; năng suất khai thác đã liên tục giảm sút trong nhiều năm, từ 0,62 tấn/CV (năm 2003) xuống còn 0,34 tấn/CV (năm 2013), cá chưa trưởng thành bị đánh bắt chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng, khoảng 64% cá cơm đánh bắt bằng nghề lưới vây; 68%  cá mối và 86% tôm he đánh bắt bằng nghề lưới kéo chưa đủ kích thước cho phép khai thác. Bên cạnh đó, có nhiều đối tượng khai thác hiếm gặp trong những năm gần đây như cá hồng, cá mú…; tình trạng vi phạm quy định về kích thước mắt lưới được phép sử dụng và phân vùng khai thác diễn ra phổ biến.

Chà kết hợp rạn nhân tạo là giải pháp kỹ thuật được sử dụng nhằm tập trung, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, hạn chế tàu lưới kéo đánh bắt ở vùng ven bờ và nâng cao hiệu quả khai thác theo hướng bền vững. Đến nay, đã có nhiều quốc gia ứng dụng chà – rạn với quy mô khác nhau và đã mang lại lợi ích đáng kể, giúp nghề cá ven bờ phát triển ổn định.

Do đó, nghiên cứu xây dựng mô hình chà – rạn tại vùng biển ven bờ huyện Núi Thành có ý nghĩa thực tiễn cao, làm cơ sở khoa học cho việc áp dụng giải pháp kỹ thuật trong công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và giúp cải thiện sinh kế cho công động ngư dân.

Mô hình chà kết hợp rạn nhân tạo được xây dựng tại vùng biển ben bờ xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam với quy mô bao phủ nền đáy 382.500 m2. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập trong 5 tháng bằng phương pháp lặn khảo sát và đánh bắt thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình đối với khả năng tập trung, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven biển.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản lượng và năng suất khai thác tăng lên đáng kể, trung bình đạt 1,4 lần (nghề câu) và 1,43 lần (nghề lưới rê) so với các tàu địa phương hoạt động cùng thời gian và ngư trường. Số lượng loài, mật độ phân bố tăng nhanh và phụ thuộc vào thời gian, khôn gian quanh khu chà – rạn; trong khu chà – rạn số lượng loài tăng từ 45 lên 73 loài (62,2%), mật độ tăng từ 272 lên 1.812 cá thể/400 m2 (gấp 6,7 lần) ở mặt cắt ngang và đạt 3.800 cá thể/400 m3 ở mặt cắt đứng; xung quanh khu chà – rạn số lượng loài tăng từ 45 lên 64, 58, 47 loài và mật độ của chúng tăng từ 272 lên 1.228, 1.065, 896 cá thể/400 m2 ở mặt cắt ngang tương ứng với khoảng cách 50 m, 100 m và 150 m. Kết quả khảo sát còn cho thấy san hô mềm và rong bắt đầu phát triển trên các rạn nhân tạo, tạo môi trường tốt cho các loài thủy sản sinh sản và phát triển.

lntrang
Theo TC Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Kỳ 2 – Tháng 6/2015
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->