Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (04/09/2015) ]
Nghiên cứu các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế dựa vào cộng đồng
Nghiên cứu của tác giả: Nguyễn Ngọc Truyền – Trường Đại học Nông Lâm Huế thực hiện nhằm nghiên cứu các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế dựa vào cộng đồng.

Đầm phá Tam Giang. (Ảnh: Sưu tầm)

Thừa Thiên - Huế có 1.127.905 người, khoảng 1/3 dân số có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên đầm phá, hoạt động sản xuất chủ yếu là nuôi trồng thủy sản (NTTS) và trồng trọt. Trong những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế và cư dân đầm phá đã chịu tác động ảnh hưởng của nhiều trận thiên tai như bão lớn, mưa to, lũ lụt và hạn hán với cường độ và tần suất tăng lên đáng kể, gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường ở hạ lưu, gây tổn thất về tài sản và cuộc sống của người dân. Kịch bản nước biển dâng ở Thừa Thiên - Huế trong thời kỳ 2010 – 2100 so với năm 1990 được tính toán theo kịch bản B2. Theo kịch bản này đến năm 2020 mực nước biển dâng 2,6 cm, năm 2050 dâng 7,1 cm và đến năm 2100 sẽ tăng lên 15,9 cm. Dự báo tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) trong tương lai làm tăng nhiệt độ, xói lở bờ biển, thay đổi độ mặn đột ngột và biến đổi các hệ sinh thái đầm phá. Các thiên tai như hạn hán, lũ lụt, bão,… chắc chắn sẽ xảy ra thường xuyên hơn, cường độ mạnh hơn.

Vùng đầm phá Tam Giang là nơi rất dễ bị ảnh hưởng, nhạy cảm với thiên tai và tác động của BĐKH. Sự thay đổi độ mặn trong môi trường đầm phá Tam Giang liên quan tới BĐKH đã tác động đến hoạt động NTTS. Vì vậy, nghiên cứu về NTTS ở đây có thể cung cấp những thông tin đầy đủ về cách mà cộng đồng và hộ NTTS thích ứng với biến đổi của độ mặn. Để trả lời câu hỏi trên, đã tập trung vào phân tích sự thay đổi độ mặn nước đầm phá trong trường hợp nghiên cứu tại thị trấn Thuận An, Thừa Thiên - Huế do tác động của BĐKH, khả năng chịu đựng của một số đối tượng nuôi phổ biến và đánh giá các giải pháp thích ứng của ngư hộ và cộng đồng lựa chọn.

BĐKH tác động mạnh đến các hoạt động sản xuất và cuộc sống của một số cộng đồng dân cư có nguồn sinh kế chính phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và điều kiện sinh thái. Do đó cần có những biện pháp thích ứng của cộng đồng địa phương để hạn chế tác động của BĐKH. Nghiên cứu này cung cấp một mô tả định tính về sự thích ứng của các cư dân sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đầm phá Tam Giang ở miền Trung Việt Nam qua hoạt động NTTS. Nghiên cứu định tính là phương pháp chính để tìm hiểu, mô tả biểu hiện, tác động của BĐKH cũng như những giải pháp thích ứng của cộng đồng ngư dân và ngư hộ trong NTTS.

Kết quả nghiên cứu cho thấy BĐKH làm thay đổi chế độ mặn, biến đổi môi trường nuôi, gây ra nhiều tổn thất đối với người dân có hoạt động NTTS trong khu vực. BĐKH làm thay đổi độ mặn đột ngột ờ đầm phá Tam Giang, độ mặn tăng trong thời kỳ mùa khô, thời gian ngọt hóa kéo dài có liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa, bão, lũ lụt) và tác động đến khả năng tăng trọng, phát sinh dịch bệnh, làm giảm thu nhập của người NTTS. Để thích ứng tốt với sự thay đổi độ mặn do tác động của BĐKH, người NTTS sử dụng kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó biện pháp sử dụng nhiều đối tượng nuôi có khả năng thích ứng cao với thay đổi độ mặn kết hợp với việc thay đổi hình thức nuôi từ nuôi chuyên tôm sang nuôi chuyên xen ghép được cộng đồng NTTS áp dụng, hạn chế được tác động của thay đổi độ mặn trong NTTS trong đầm phá.

lntrang
Theo TC Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Kỳ 2 – Tháng 6/2015
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->