Đề tài được thực hiện nhằm xác định được lượng N, P, K nội tại do đất cung cấp tại vùng nghiên cứu theo từng vụ và đề xuất được công thức bón phân N, P, K hợp lý đạt hiệu quả cao cho vùng nghiên cứu. Bên cạnh đó, đánh giá hiệu quả năng suất và sử dụng phân bón của mô hình bón theo phương pháp SSNM.
Thí nghiệm được tiến hành trong vụ Đông Xuân (ĐX) 2009-2010 và Hè Thu (HT) 2010, sau đó ứng dụng mô hình trong vụ ĐX 2010-2011 và HT 2011. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức (ô khuyết N bón đầy đủ P, K; ô khuyết P bón đầy đủ N, K; ô khuyết K bón đầy đủ N, P; ô bón đầy đủ N, P, K) và 4 lần lặp lại. Sau khi tìm được công thức phân tiến hành ứng dụng cho mô hình bằng cách chia đôi ruộng nông dân, bón phân theo địa điểm chuyên biệt (SSNM) và QTND.
Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho biết được lượng dinh dưỡng N, P, K nội tại do đất cung cấp cho một hecta vụ ĐX là 65 kg N + 33 kg P2O5 + 115 kg K2O và công thức phân bón N, P, K đề xuất 90 kg N + 36 kg P2O5 + 22 kg K2O/ha; vụ HT là 49 kg N + 26 kg P2O5 + 88 kg K2O và công thức phân bón N, P, K đề xuất 85 kg N + 40 kg P2O5 + 28 kg K2O/ha. Năng suất lúa ở mô hình bón phân theo SSNM cao hơn cách bón theo QTND là 0,33-0,48 tấn/ha. Trong vụ ĐX 2010-2011 và HT 2011, QTND đã bón lượng phân bón cao hơn so với SSNM, lượng N từ 6 - 9 kg/ha; lượng P2O5 từ 13-18 kg/ha; lượng K2O từ 27-28 kg/ha. |