Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (28/08/2015) ]
Ảnh hưởng của độ tàn che và phân bón đến sinh trưởng và sản lượng quả Sâm Ngọc Linh (Pamax vietnamensis Ha et Grushv) ở Kon Tum.
Nghiên cứu của tác giả Đỗ Anh Tuân – Trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ tàn che và phân bón đến sinh trưởng và sản lượng quả Sâm Ngọc Linh (Pamax vietnamensis Ha et Grushv) ở Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh. (Ảnh: sưu tầm)

Sâm Ngọc Linh (Pamax vietnamensis Ha et Grushv), hay còn gọi là Sâm Việt Nam, Sâm Khu 5, là loại sâm quý ở Việt Nam và thế giới. Đây là loài cây dược liệu đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố ở vùng núi cao Ngọc Linh. Nhiều nghiên cứu dược tính đánh giá Sâm Ngọc Linh (SNL) có giá trị dược liệu thuộc loại tốt nhất trên thế giới, có tác dụng trong bồi bổ sức khỏe, phòng và chữa nhiều loại bệnh. Do giá trị kinh tế của SNL rất cao, loài cây dược liệu này đang bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Vì vậy, việc xác định các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý hiếm này. Sinh trưởng và sản lượng quả hạt của các loài cây nói chung và cây dược liệu nói riêng phụ thuộc chặt chẽ vào các nhân tố sinh thái quan trọng như ánh sáng và chất dinh dưỡng trong đất. Trên thực tế, SNL thường được gây trồng dưới tán rừng tự nhiên; ở một số nơi có sử dụng lớp thảm mục rừng ủ hoai làm phân bón cho cây SNL. Tuy nhiên, hiện nay còn thiếu nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố này đến sinh trưởng và phát triển của SNL. Nghiên cứu được thực hiện tại vườn SNL của Công ty Lâm nghiệp Đắc Tô nhằm xác định ảnh hưởng của độ tàn, nhân tố ảnh hưởng đến cường độ ánh sáng dưới tán, ở 3 cấp (< 0,5, 0,5-0,8, > 0,8) và phân bón làm từ lớp thảm mục đến tỷ lệ sống, sinh trưởng và sản lượng quả của cây SNL làm cơ sở xác định biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc loài cây dược liệu quý hiếm này.

 

Sâm Ngọc Linh. (Ảnh: sưu tầm)

Kết quả nghiên cứu cho thấy cường độ ánh sáng dưới tán biến động và có quan hệ tỷ lệ nghịch với độ tàn của tầng cây cao. Độ tàn che có ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng và sản lượng của quả SNL. Tỷ lệ sống, chiều cao cây, đường kính tán và sản lượng quả của cây SNL đạt cao nhất ở tàn che 0,5 – 0,8. Việc bón phân làm từ lớp thảm mục rừng cũng có ảnh hưởng rõ rệt đến các chỉ tiêu: tỷ lệ sống, đường kính tán và sản lượng quả, nhưng không ảnh hưởng rõ rệt chiều cao cây. Kết quả phân tích ảnh hưởng tổng hợp của hai nhân tố độ tàn che và phân bón cho thấy SNL có tỷ lệ sống và đạt sản lượng quả cao nhất ở công thức có độ tàn che 0,5 – 0,8 và được bón phân hữu cơ từ lớp thảm mục dưới tán rừng.

lntrang
Theo TC Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Kỳ 1 – Tháng 6/2015
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->